Cảnh giác DN xăng dầu “bắt tay” tăng giá

Dự thảo sửa đổi Nghị định 84 mới đây nhất cho phép doanh nghiệp (DN) xăng dầu có quyền tự quyết mức tăng giá trong phạm vi 3% (tương đương khoảng 500 đồng/lít). Điều này có nghĩa là DN sẽ không phải chờ sự cho phép từ cơ quan quản lý giá mới được điều chỉnh. 

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, cho rằng đó là một cơ chế tốt. Song một khi đã trao quyền tự quyết cho DN thì phải lường đến cơ chế xử lý.

Khống chế việc lạm dụng tăng giá

. Phóng viên: Theo ông, việc trao quyền tự quyết cho DN xăng dầu trong hoàn cảnh thị trường xăng dầu vẫn tồn tại cơ chế độc quyền liệu có là một giải pháp hay?

+ TS Nguyễn Ngọc Sơn: Tôi đánh giá rất cao cơ chế này, bởi vì nó mở đường cho xăng dầu phát triển thành một thị trường. Ở đó, DN có quyền tự định giá theo sự tăng, giảm của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta phải nêu rõ DN được quyền tăng nhưng cũng phải có trách nhiệm điều chỉnh kịp thời trong trường hợp giá giảm.

 
Ở các nước giá xăng dầu tăng giảm có thể theo ngày. Ảnh: HTD

Xăng dầu là thị trường thiết yếu đối với kinh tế, tác động lớn đến đời sống người dân nhưng cũng là thị trường có khiếm khuyết khi tồn tại một DN quá lớn. Với hai điều này, cơ chế tự quyết giá xăng dù chỉ ở mức 3% song cũng khiến dư luận quan ngại sự ảnh hưởng nếu có lạm dụng. Vì vậy, bên cạnh quyền mở rộng thì phải đặt ra câu hỏi Nhà nước đã có sự chuẩn bị nào để khống chế khi các DN lạm dụng việc tăng giá. Hay nói cách khác là chúng ta giám sát thế nào khi các DN xăng dầu liên minh tăng giá. Nói chung, tôi ủng hộ để DN có quyền tự quyết nhưng theo tôi, cơ chế này chưa trọn vẹn.

. điều gì làm ông băn khoăn nhất?

+ Điều tôi băn khoăn nhất đó là chúng ta đang tính giá xăng theo một giá “giả định”. Bởi lẽ giá của một thị trường mà chúng ta thấy chưa chắc là giá thực nhập của DN xăng dầu. có thể các DN đã mua một mức giá trước khi giá thế giới tăng thì sao?

Khi đã theo cơ chế thị trường thì chúng ta không thể áp dụng kiểu tính giá trung bình cộng. Vì khi đã lấy giá trung bình cộng tức là đặt giá ổn định là mục tiêu của quản lý. Nhưng nó lại gây ra sự nghi ngờ vì giá thường tăng chứ không chịu giảm. Thêm nữa, hiện chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát tốt nếu trường hợp DN lạm dụng cơ chế độc quyền.

Buông vừa đủ

. Ở các nước, giá xăng tăng giảm theo ngày, liệu chúng ta có thể hướng đến cơ chế đó, thưa ông?

+ Đó là cơ chế thị trường tốt nhưng tôi nghĩ cần có thời gian và lộ trình thì thị trường xăng dầu trong nước mới áp dụng được điều này.

Ở các nước giá xăng dầu tăng giảm có thể theo ngày, bởi lẽ bản thân người dân đã tự chịu trách nhiệm về thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp hữu hạn khi thị trường đó có sự lạm dụng, thỏa thuận. Khi có tăng giá thì sẽ có cơ chế giảm giá. Với các nước, không vì đây là thị trường đặc biệt mà nhà nước tước quyền định giá. Vì nếu một khi đã tước quyền định giá hay đặt ra cơ chế bao bọc sẽ dẫn đến sự lười biếng của DN và càng tăng cường khả năng lạm dụng. Nước ngoài, họ cho DN quyền định giá nhưng họ cũng có công cụ để kềm tỏa quyền lực.

Ở nước ta, có lẽ để trả thị trường về theo ngày như các nước có lẽ vẫn chưa thể làm ngay được. Người dân vẫn có tâm lý sợ các DN xăng dầu tung hoành nên số đông vẫn muốn “dựa” vào Nhà nước.

Giống như với thị trường viễn thông, trước đây Nhà nước cũng định giá. Tuy nhiên, giờ DN tự định giá và người tiêu dùng cũng sống chung với sự định giá đó.

. Nhưng thị trường viễn thông tồn tại ba DN lớn, trong đó Viettel là DN có thể đối trọng với hai DN kia, trong khi xăng dầu lại khác, Petrolimex chiếm trên 50% thị phần, thưa ông?

+ Nếu chúng ta trả xăng dầu về thị trường thì tự khắc sẽ xuất hiện DN đối trọng. Hoặc Nhà nước sẽ đầu tư để xuất hiện những DN đủ lớn để cạnh tranh với Petrolimex. Cách đây 10 năm, Viettel đã phát triển đâu. Nhưng hiện nay thì mọi thứ đã khác. Tôi nhớ khi đó VNPT cũng phải nắm trên 70% thị phần. Còn giờ thì thị trường viễn thông đã hoàn toàn thay đổi.

Nói chung, đã là quản lý thị trường và gầy dựng thị trường thì không thể hoàn hảo ngay được mà phải có cơ chế để nó tự phát triển.

Hiện với xăng dầu, ngoài Petrolimex chiếm trên 50% thị phần thì cũng có DN chiếm 20%... Chúng ta cũng phải mạnh dạn tự tin rằng người tiêu dùng có thể đối chọi với những diễn biến thị trường. Không có người nào muốn mình tự bước đi, ai cũng muốn mình được bảo bọc nhưng nếu muốn thị trường phát triển thì dứt khoát tất cả lực lượng tham gia thị trường phải tự chịu trách nhiệm với các quyết định của mình, trong đó có cả người tiêu dùng. Điều chúng ta cần làm lúc này là cần có cơ chế để hạn chế những người đang nắm quyền lực thị trường lạm dụng độc quyền để gây hại cho người khác.

. Xin cảm ơn ông.

MAI PHƯƠNG

Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, cách đây hơn 100 năm, những ông vua dầu mỏ của Mỹ cũng có sự lạm dụng. Từ đây, ở Mỹ đã có đạo luật khắc chế sự lạm dụng. Bản thân nhà nước đặt ra giới hạn quản trị như sẽ xử lý mạnh. Mức phạt đấy khiến DN sợ hãi và không có lạm dụng. Vì vậy, đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi đã trao quyền tự quyết thì phải lường đến cơ chế xử lý.

Làm gì để hạn chế sự lạm dụng tăng giá của các DN?

Chúng ta phải trả giá xăng về với thị trường thực sự, tức là theo DN chứ không phải là theo “ước đoán” từ những con số của công thức giá cơ sở. Tiếp đến là phải thiết kế cơ chế kiểm soát lạm dụng thông qua cơ chế làm việc liên ngành. Trong đó, bộ phận quản lý cạnh tranh phải vào cuộc cùng với cơ quan quản lý giá để kiểm soát. Giải pháp hay nhất vẫn là xây dựng cơ chế kiểm soát mạnh, ngăn chặn sự lạm dụng, phải có cơ chế giám sát trước khi có sự vi phạm, sau đó là xử phạt mạnh. Ngoài ra, tôi luôn ủng hộ những phương án, cấu trúc lại thị trường, gầy dựng những DN mạnh, tạo nên cơ chế đối trọng, tạo sự cạnh tranh. Hiện với cấu trúc thị trường của xăng dầu hoàn toàn có cơ sở làm được hoặc tiến tới kiểm toán. Cần kiểm toán con số thực nhập của DN, các chi phí kinh doanh có thực tế như DN công bố.

TS NGUYỄN NGỌC SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm