Sổ tay

Cần sớm hướng dẫn để địa phương tham gia mua vaccine COVID-19

Đợt dịch COVID-19 trở lại Việt Nam lần thứ tư với những diễn biến phức tạp. Nó đặt ra thách thức rằng Việt Nam không chỉ thực hiện mục tiêu kép là chống dịch và phát triển kinh tế. Cùng với những diễn biến tích cực ở Mỹ và châu Âu thời gian qua, đến nay ai cũng nhận thấy: Vaccine là giải pháp hiệu quả nhất trong trung hạn và dài hạn dành cho Việt Nam.

Trong báo cáo của Bộ Y tế hôm 31-5 về tình hình, tiến độ nhập khẩu vaccine có ba điểm sáng. Thứ nhất, từ nhiều tháng nay Bộ Y tế đã liên tục có hàng chục cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine và cơ quan liên quan để có vaccine sớm, phấn đấu cuối năm 2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng.

Thứ hai, bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Bộ Y tế được giao là đầu mối nhập khẩu vaccine nhưng không có nghĩa là bộ “độc quyền” nhập khẩu. Các địa phương, doanh nghiệp có đủ năng lực đều được khuyến khích nhập khẩu.

Thứ ba, tất cả vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép; dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam thì vẫn được tiến hành nhập khẩu. Với vaccine mà WHO chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép, nếu có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Bộ sẽ xử lý ngay khi có hồ sơ và nếu hợp lệ thì tối đa năm ngày làm việc là cấp phép được”.

Như vậy về chủ trương, chuyện phân quyền cho địa phương, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn cung vaccine là đã có. Làm tốt chủ trương này sẽ đạt ít nhất hai lợi ích: (i) Dễ tiếp cận nguồn cung hơn, huy động được nhiều nguồn lực hơn, có chiến lược đàm phán hợp lý hơn; (ii) Giảm tải việc cho Bộ Y tế.

Đến nay Bộ Y tế đã có hai động thái mở đường cho vaccine. Thứ nhất, bộ công bố danh sách các vaccine đã được phê duyệt (gồm AstraZeneca của Anh, Sputnik V của Nga và Sinopharm của Trung Quốc). Đây là vai trò thẩm định chuyên môn cực kỳ quan trọng và không ai có thể thay thế Bộ Y tế.

Thứ hai, Bộ Y tế đã công bố danh sách 36 doanh nghiệp có đủ điều kiện và pháp nhân nhập khẩu vaccine. Đây sẽ là các đầu mối tham gia đàm phán và đủ điều kiện nhập, bảo quản, phân phối vaccine hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để chính quyền địa phương và doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm, đàm phán và mua vaccine.

Cần hiểu rằng văn bản hướng dẫn là cơ sở pháp lý để các địa phương và doanh nghiệp vừa an tâm tham gia đi tìm nguồn cung, vừa chia sẻ gánh nặng với Bộ Y tế trong đàm phán và huy động nguồn lực mua vaccine. Khi đó Bộ Y tế sẽ là đơn vị đồng hành và “gác cổng” cuối cùng cả về chất lượng lẫn về đảm bảo nguồn cung.

Ngoài ra trên thực tế, nhiều hãng cung cấp vaccine không đàm phán với người mua khi họ mang danh nghĩa là doanh nghiệp hay chính quyền địa phương để đi đàm phán (mà phải cần có sự xuất hiện của chính phủ và ở đây đại diện là Bộ Y tế). Ví dụ như Công ty Pfizer, họ cho biết họ chỉ đàm phán việc mua vaccine với các chính phủ và các tổ chức xuyên quốc gia, thay vì các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Như vậy, sự tham gia của bộ trong vai trò lãnh đạo vẫn sẽ được đảm bảo.

Một doanh nghiệp bán vaccine thường sẽ dựa vào: (i) giá trị đạo đức (tính cấp thiết phải bán vaccine cho vùng có dịch bệnh nặng); (ii) quan hệ chính trị (cấp nhà nước); và (iii) các lợi ích về kinh tế, cơ hội đầu tư lâu dài ở nước mua vaccine (mà hơn ai hết, chính quyền địa phương, doanh nghiệp sẽ hiểu rất rõ).

Có sự tham gia của chính quyền địa phương, doanh nghiệp thì Chính phủ và Bộ Y tế sẽ có thêm tham mưu, chọn lựa về hứa hẹn hợp tác, đầu tư khi đàm phán với các chính phủ, bộ, ngành và doanh nghiệp nước ngoài nhằm đổi lại cơ hội mua vaccine kịp thời về cho người dân Việt Nam.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm