Cần nới lỏng chính sách tiền tệ sau khủng hoảng

“Cần nâng cao khả năng tài chính cho các ngân hàng và tăng thêm luồng vốn ngoại tệ thông qua việc cho phép ngân hàng bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài với tỉ lệ dưới 5% mà không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước”. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trước thách thức của khủng hoảng tài chính toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm qua (9-9).

Nhiều chỉ số đáng khích lệ

Theo đánh giá của các chuyên gia, với các nỗ lực khắc phục khủng hoảng mà Chính phủ chỉ đạo trong năm 2009 (trong đó phải kể đến gói kích cầu kinh tế 8 tỉ USD; miễn, giãn thuế cho doanh nghiệp (DN)…), nền kinh tế năm 2010 đã có dấu hiệu hồi phục. Các chỉ tiêu tăng trưởng, chỉ số CPI trong giới hạn kiểm soát. Khu vực DN đã có bước cải thiện đáng kể trong hoạt động kinh doanh, từ chỗ thua lỗ lớn trong năm 2008, năm 2009 nhiều DN đã có doanh thu.

Đơn cử như thị trường chứng khoán, theo ghi nhận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số lượng công ty niêm yết tăng khá nhanh, đưa tổng số cổ phiếu niêm yết trên hai sàn giao dịch chứng khoán 580 công ty (năm 2008 là 338 công ty), với tổng mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 40% GDP, tăng hơn hai lần so với mức vốn hóa thị trường năm 2008 (18% GDP 2008). Hoạt động của DN niêm yết có mức tăng trưởng tốt trong năm 2009 và đầu năm 2010. Nếu như trong năm 2008 có trên 80% DN niêm yết thua lỗ thì trong năm 2009 các DN đều có lãi và có mức tăng trưởng vượt chỉ tiêu lợi nhuận.

Cần nới lỏng chính sách tiền tệ sau khủng hoảng ảnh 1

Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có mức tăng trưởng tốt nhờ gói kích cầu kinh tế. Ảnh: HTD

Hoàn thiện luật để giải quyết khủng hoảng 

Mặc dù thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt, thế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì các nhà quản lý vẫn cần phải có thêm nhiều giải pháp hữu hiệu hơn để thoát khỏi khủng hoảng một cách nhanh chóng.

Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, các nhà quản lý cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và nới lỏng để đảm bảo tính ổn định nhất định về tỉ giá. Đồng thời, nới tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng lên trên mức 30% hiện nay để tăng tính hấp dẫn khi luồng vốn đầu tư đang giảm sút. Ngoài ra, cần hoàn thiện khung pháp lý, thể chế chính sách thông qua việc sửa đổi Nghị định 14/CP, sửa đổi bổ sung Nghị định 36/CP và xây dựng các thông tư hướng dẫn về giao dịch, thông tư hướng dẫn về các chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Xem xét sửa đổi Luật Chứng khoán để trình Quốc hội vào năm 2011.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, trở ngại lớn nhất là quan điểm, nhận thức không thống nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách đã làm nảy sinh tình trạng “ông chằng bà chuộc” trong các văn bản pháp luật, một nhược điểm lớn của luật pháp nước ta tuy đã được phát hiện từ nhiều năm nay nhưng xem ra vẫn chưa được khắc phục. Chủ trương phân cấp cho chính quyền tỉnh, thành phố cấp phép các dự án FDI làm cho tính năng động, sáng tạo và quyền tự chủ của địa phương được đề cao. Tuy nhiên, cơ chế này cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề, nhất là vì lợi ích cục bộ của địa phương đã phá vỡ tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân và kinh tế vùng lãnh thổ. Ngoài ra, vấn đề nhân lực cũng là bài toán cần giải quyết.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm