Cần nới lỏng chính sách tiền tệ

Trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trưởng khoa Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, thành viên Ban Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng nếu loại trừ những mặt hàng đang sốt như lương thực, thực phẩm thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển ổn định. Theo giáo sư Ngân, đã đến lúc Chính phủ nên nới lỏng chính sách tiền tệ để các ngân hàng bơm vốn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Trả lãi suất về cho thị trường

. Ông có nhận xét gì về chính sách lãi suất mới mà Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa áp dụng?

Cần nới lỏng chính sách tiền tệ ảnh 1+ Tôi cho là hết sức đúng đắn. Hơn một tuần nay, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng tính theo mức lãi suất cơ bản 12%/năm đã khiến lãi suất thực dương. Việc trả lãi suất về cho thị trường đã tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng, cũng như thay đổi cung cách quản trị của lãnh đạo từng ngân hàng.

Việc NHNN tăng lãi suất cơ bản từ 8,75% lên 12% (tăng 375 điểm), lãi suất tái cấp vốn từ 7,5% lên 13%, lãi suất chiết khấu từ 6% lên 11% là một sự thay đổi rất lớn về cơ chế. Nhiều người nói việc tăng đột ngột lãi suất cơ bản như trên là khá sốc. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc tăng này không ảnh hưởng nhiều vì mức lãi suất cơ bản đã ở mức quá thấp trong nhiều năm. Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam hiện nay đã gần giống với cơ chế điều hành của ngân hàng trung ương các nước.

. Dựa trên căn cứ nào ông cho là gần giống?

+ Trên thế giới, hầu hết ngân hàng trung ương các nước đều điều hành chính sách tiền tệ dựa trên lạm phát mục tiêu, còn gọi là lạm phát cơ bản. Nghĩa là lấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trừ đi một số mặt hàng biến động như lương thực, thực phẩm, năng lượng (xăng, dầu)... là ra lạm phát cơ bản. Các nước lớn như Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Singapore, Thái Lan... đều dựa vào chỉ số lạm phát cơ bản để điều hành chính sách tiền tệ. Và tùy theo mỗi quốc gia mà họ lấy chỉ số CPI trừ cho biến động mặt hàng lương thực, thực phẩm hay xăng dầu.

Vừa qua, một số tổ chức tài chính có uy tín như HSBC, Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Mỹ)... công bố những con số rất lạc quan về lạm phát cơ bản ở Việt Nam. Theo tính toán của các tổ chức này, lạm phát cơ bản ở Việt Nam chỉ ở ngưỡng 11%-12%. Như vậy là không cao. Tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam cũng nên theo thông lệ quốc tế là sử dụng chỉ số lạm phát cơ bản để điều hành chính sách tiền tệ thay vì căn cứ vào chỉ số giá cả tiêu dùng.

Hạ mức dự trữ bắt buộc

. Đây cũng là căn cứ để ông cho rằng đã đến lúc nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ?

+ Đúng. Lấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 là 21,42% thì trong đó mặt hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống gia đình cộng lại đã trên 10%. Như vậy thì tính ra lạm phát cơ bản của chúng ta chỉ còn hơn 11%. Vì thế không lý gì chúng ta cứ thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi lãi suất cơ bản của NHNN đã là 12%. Đã đến lúc nới lỏng chính sách này để doanh nghiệp vay được vốn ngân hàng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế.

. Theo ông nới lỏng như thế nào?

+ Nên hạ mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng từ 11% xuống còn 8%-9% và biến khoản dự trữ bắt buộc này thành khoản vốn mà NHNN cho các ngân hàng thương mại vay. Nếu hạ mức dự trữ bắt buộc thì các ngân hàng chắc chắn sẽ xem xét hạ lãi cho vay do tiền dự trữ bắt buộc một phần đang được các ngân hàng tính vào lãi suất cho vay. Mặt khác, không nên hạn chế mức tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng là 30% mà nâng mức này lên khoảng 35%-40%, đồng thời chỉ định mức tăng cụ thể cho từng ngân hàng. Vì mức tăng tín dụng năm 2007 là 54% nên nếu giờ cắt đột ngột xuống còn 30% thì sợ sẽ gây sốc cho các ngân hàng.

. Có nghịch lý không vì nếu nới lỏng chính sách tiền tệ có thể khiến lạm phát gia tăng?

+ Điều này chỉ đúng một phần. Nếu tiền đưa vào lưu thông mà sử dụng không hiệu quả mới gây ra lạm phát. Vừa qua, lạm phát cao không phải tất cả do cung tiền tệ mà một phần có nguồn gốc từ những đầu tư công lãng phí, cũng như việc kinh doanh không hiệu quả của các siêu tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước...

. Xin cảm ơn ông.

Hạn chế đầu tư những ngành không hiệu quả

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ không nên theo tiêu chí khống chế tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại là 30% hay buộc tỷ lệ dự trữ bắt buộc là11%. Chính sách thắt chặt tiền tệ nên hướng vào những ngành không có lợi cho sản xuất, kinh doanh hay những dự án đầu tư công kém hiệu quả hoặc chưa cần thiết.

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm