Cần một nghị định về sản xuất và tiêu thụ mía đường

Hiện nay, lượng đường tồn kho trên cả nước khoảng 200.000 tấn. Sắp tới, do nhu cầu tiêu thụ đường của thế giới giảm, đường nhập lậu giá rẻ tràn vào nhiều có thể làm cho lượng đường tồn kho ngày càng cao.

Theo đó, VSSA kiến nghị Chính phủ có chính sách kiểm soát đường nhập lậu nguồn cung giá rẻ từ Thái Lan và đường tạm nhập tái xuất nhưng lén lút tiêu thụ trong nước. Thứ hai, do sức cạnh tranh của mặt hàng đường Việt Nam còn thấp nên khó có thể xuất chính ngạch. Thời gian qua, dù chưa kịp thời nhưng Bộ Công Thương đã cho phép xuất khẩu đường sang Trung Quốc (quốc gia đang thiếu đường) qua cửa khẩu, phụ thuộc biên giới tỉnh Lào Cai. Đây là lối thoát gần như duy nhất lượng đường thừa của Việt Nam thời gian qua, cứu các doanh nghiệp chế biến mía đường hạn chế được thua lỗ do tồn kho lớn, lãi suất ngân hàng cao không vay được.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp thương mại đã xin tạm nhập tái xuất hoặc nhập đường thô về tinh luyện và xuất khẩu nhưng lại chen chân vào xuất khẩu cũng qua cửa khẩu phụ… Với lợi thế giá rẻ hơn, đường tái xuất các dạng sẽ nhanh chóng chiếm phân khúc này. Việt Nam đã mất một phần đáng kể thị trường đường trong nước do đường nhập lậu không ngăn chặn được, nay lại có nguy cơ mất luôn thị trường xuất khẩu gần như duy nhất này.

Do vậy, VSSA kiến nghị Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ các loại đường do các nhà máy sản xuất từ mía trong nước. Không nên cho phép xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ các loại đường tạm nhập tái xuất và các loại đường chế biến từ nguồn đường nguyên liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách dự trữ đường theo chu kỳ mùa vụ hằng năm để bình ổn giá, chống tình trạng đầu cơ rất dễ xảy ra trong hoàn cảnh hiện nay, gây bất ổn cho nền kinh tế, thiệt hại cho nông dân trồng mía lẫn người tiêu dùng chứ không riêng các nhà máy. Về lâu dài, ngành mía đường rất cần một chính sách đồng bộ dưới dạng nghị định về sản xuất, tiêu thụ mía và đường.

MINH LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm