Cần có luật về an ninh lương thực

Giáo sư Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học An Giang cho rằng chiến lược sản xuất lương thực của nước ta trong vòng 15-20 năm tới sẽ gặp nhiều phải khó khăn bởi tình trạng tự phát của nông dân. Hạn chế của nông dân là thích áp dụng những kinh nghiệm trồng trọt cổ truyền nhưng trái hẳn với khoa học kỹ thuật dẫn tới vừa tốn kém trong chi phí đầu vào vừa làm giảm năng suất. Bên cạnh đó, một hạn chế ngành nông nghiệp trong nước là hệ thống thu mua, lưu thông rất manh mún, không có hiệu quả gây ra nhiều rủi ro cho nông dân.

Theo giáo sư Xuân, khi làm dự báo nhà nước cần phải tính số lượng lương thực người dân trong nước tiêu thụ bao nhiêu qua từng thời kỳ để đưa ra con số chính xác. Về điều này, ngay cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện tốt khi có thời điểm không thể đưa ra con số thống kê chính xác sản lượng lúa còn tồn ở các địa phương là bao nhiêu để đưa ra giải pháp phù hợp.

Giáo sư Xuân đề nghị trong chiến lược phát triển lương thực cần phải gắn sản xuất với vùng nguyên liệu, doanh nghiệp thu mua. Nông dân khi sản xuất ra hàng hóa sẽ được doanh nghiệp thu mua hết để tránh tình trạng được mùa rớt giá, mất mùa giá cao. Ngoài ra, khi đã có vùng quy hoạch, nhà nước cần phải ban hành pháp lệnh giao cho địa phương giữ vững được vùng quy hoạch. Nơi nào làm kém hay không giữ vững được vùng quy hoạch thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu chế tài thích đáng.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết nhiều nước trên thế giới đã có hẳn luật liên quan đến an ninh lương thực. Ngoài ra, Chính phủ cần phải phân công tỉnh nào đẩy mạnh công nghiệp, tỉnh nào chú trọng nông nghiệp, tránh tình trạng hiện ở nhiều địa phương chỉ chú trọng phát triển công nghiệp mà xem nông nghiệp là... gánh nặng!

Vấn đề kho chứa, dự trữ cũng được nhiều chuyên gia tại hội thảo quan tâm. Ông Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết trong sản xuất, phát triển lương thực, vấn đề dự trữ luôn được đặt lên hàng đầu nhưng hiện nay rất ít được doanh nghiệp chú trọng. Ngay cả một doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Lương thực Miền Nam cũng chỉ dự trữ được 100 ngàn tấn là quá tải. Còn nông dân chỉ dự trữ theo phương pháp thủ công nên chất lượng lúa luôn bị giảm.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm