'Cấm xuất khẩu gạo, thiệt hại đầu tiên là người dân'

Tại hội nghị Thành ủy Cần Thơ mở rộng ngày 25-3, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Hè cho biết: Trên địa bàn TP, vụ lúa đông xuân kết thúc thu hoạch. Năm nay lúa trúng mùa, đạt năng suất 7,22 tấn/ha, cao nhất trong bốn năm qua. Cạnh đó, lúa được giá, bà con trồng lúa phấn khởi.

Hiện giá lúa tươi tại ruộng khoảng 5.700-5.800 đồng/kg. Tổng sản lượng lúa thu hoạch đạt 571.600 tấn.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Toại cũng cho hay ngày 24-3, Tổng cục Hải quan yêu cầu ngưng cho xuất khẩu gạo trên cả nước. Cùng ngày hôm qua (24-3), có khoảng trên 10 doanh nghiệp (DN) của Cần Thơ đã gọi phản ánh việc ngưng xuất khẩu gạo quá nhanh. Hiện gạo của các DN đang chở lên TP.HCM, đang đóng vào container, bây giờ ngưng ngang nên ảnh hưởng rất lớn vì họ phải móc từ container ra, chở về…

“Cũng trong ngày hôm qua, Sở Công Thương đã gọi điện cho một thứ trưởng Bộ Công Thương. Sau khi nắm tình hình, người này đã xin ý kiến và bộ trưởng Bộ Công thương đã ký văn bản ngay trong hôm qua xin Thủ tướng cho tiếp tục xuất khẩu; đồng thời sẽ đánh giá lại tình hình gạo ở thị trường trong nước để đảm bảo tình hình an ninh lương thực. Nếu Thủ tướng cho phép thì tình hình xuất khẩu gạo của TP mới có thể thực hiện trở lại” - ông Toại cho hay.

Cũng theo ông Toại, lượng gạo đang tồn kho rất lớn. Hiện tại, lúa ngoài đồng như ở An Giang cũng rất nhiều. Do đó, việc đảm bảo an ninh lương thực không ngại. Nếu ngưng ngay xuất khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tình hình của các DN, nông dân. Các DN cho biết chi phí sẽ tăng lên, rồi lãi suất ngân hàng

Ông Toại cho biết thêm, Sở Công Thương có trình bày ý kiến với thứ trưởng Bộ Công Thương và đề xuất cho tiếp tục xuất khẩu gạo vì lượng gạo còn trong dân rất lớn. Vì vấn đề đảm bảo an ninh lương thực phục vụ cho 100 triệu dân Việt Nam chúng ta không thiếu gạo.

Lượng gạo của các tỉnh trong khu vực từ An Giang trở lên đang thu hoạch, còn gạo dự trữ trong kho rất lớn. Nếu cần thiết thì Chính phủ cần dự trữ gạo vào kho. Đồng thời yêu cầu mỗi DN để lại vài ngàn tấn dự trữ, còn lại cho xuất khẩu để tạo cơ hội bán ra sản phẩm với giá cao.

“Năm 2008 có lúc giá gạo rất cao thì yêu cầu ngưng xuất khẩu, sau 15 ngày ngưng thì giá thế giới rớt làm mất cơ hội tiêu thụ sản phẩm” - ông Toại nói.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu nhận định năm nay được đánh giá là năm được mùa, trúng giá. Lúa trải đều nhiều vụ. Hiện nay giá tốt mà ngưng xuất khẩu, cơ hội cho người nông dân có lời gặp khó.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung yêu cầu Sở Công Thương nắm lại xem các DN xuất khẩu gạo đã ký với đối tác nước ngoài bao nhiêu, đang triển khai bao nhiêu thì bị ách lại. Ông Trung cho rằng những cái nào ký rồi và đang triển khai thì nên cho xuất khẩu đi. 

Đồng thời, ngành công thương cũng phải nắm lượng lúa gạo đang có trong kho bao nhiêu, dự kiến mấy tháng nữa có lúa vụ hè thu và sản lượng bao nhiêu. Nếu cấm xuất khẩu gạo thì chính sách cho người nông dân ra sao…

“Dân ĐBSCL làm nông nghiệp không mà, cấm xuất khẩu thì giá lúa xuống ngay, thiệt hại đầu tiên là người dân. Tôi nghĩ cái này ảnh hưởng lớn vì ĐBSCL chỉ có hai mặt hàng xuất khẩu chính là gạo và thủy sản, mà cắt một cái thì không biết sẽ ra sao” - ông Trung bày tỏ.

 

Một DN kinh doanh lúa gạo ở tỉnh Tiền Giang bày tỏ: Nếu nói xuất khẩu là hết gạo trong dân là chưa chính xác. Bởi vì các DN thường ký hợp đồng xuất khẩu theo kỳ, nên phải đảm bảo hợp đồng và phải luôn trữ trong kho cũng như ký hợp đồng với người dân để đảm bảo nguồn cung ứng.

“Nếu nói trong dân hay trong DN thiếu gạo hoặc hết gạo, theo tôi là chưa đúng. Như bản thân cơ sở của tôi, để cung cấp cho các đơn hàng, phải chuẩn bị từ trước tết rồi trữ ở kho. Như vậy, cái chúng tôi đang có là của vụ trước, còn vụ này chúng tôi mua về để lắp cho đủ số theo hợp đồng, còn dư sẽ để đó” - đại diện một DN lúa gạo Tiền Giang lý giải.

GIA TUỆ - CHÂU ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm