'Các vị làm luật như... làm văn, không đáng chấm điểm'

Một đại biểu đã bày tỏ chính kiến thẳng thắn như trên tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang diễn ra sáng nay (13-4).

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng trung ương các hiệp hội DN tổ chức.

Ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, xin bảy phút để nói về những nhận xét thẳng thắn của mình về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Ông Tuất thừa nhận những nhận xét của mình bắt nguồn từ… cảm xúc.

“Tôi buồn vì nhận thấy dự luật này giống một loại văn mẫu và làm cho có. Tôi chợt nhớ tới Luật 8 chữ của Park Chung Hee cuối thập niên 1960 thế kỷ XX, buộc các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc không được làm chi tiết nhỏ" - ông Tuất mở đầu.

Ông Phan Đăng Tuất cho rằng: Luật 8 chữ của Park Chung Hee cứu cả nền sản xuất của Hàn Quốc, còn dự luật hỗ trợ DNNVV sắp được trình ra sẽ không cứu được DNNVV Việt Nam. Ảnh: CHÂN LUẬN

Theo ông Tuất, Luật 8 chữ của Park Chung Hee chỉ nói: “Cấm DN lớn làm chi tiết nhỏ”. Luật được ban hành cùng với danh sách 350 chi tiết nhỏ mà các tập đoàn lớn không được phép làm.

Thế là các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, Deawoo phải kêu gọi các DN nhỏ tham gia vào quá trình chế tạo, sản xuất.

Chỉ ba năm sau, hàng vạn DN nhỏ của Hàn Quốc đã ra đời và đảm nhận những khâu chế tạo các linh kiện nhỏ ở tầm công nghệ cao.

Ông Tuất kể: “Tôi đã ngồi trên ô tô với một quan chức Bộ KH&ĐT. Khi nghe về dự luật hỗ trợ DNNVV, tôi đã phản đối ngay. Các vị cứ làm luật như làm văn và hình như bài văn này không đáng chấm điểm”.

Ngay như tên của luật, ông Tuất cũng bày tỏ lo ngại về từ “hỗ trợ”. Một cách hình tượng, ông Tuất nói rằng một hoa hậu nếu bị phát hiện là hàn răng thì cũng bị tước danh hiệu cơ mà. Theo ông Tuất, WTO cũng như các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, từ “hỗ trợ” là điều tối kỵ.

“Tôi không hiểu tại sao 500 đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành lại cứ thích từ hỗ trợ” - ông Tuất nói.

Bàn về nội dung dự luật, ông Tuất cho rằng cả chủ thể hỗ trợ và khách thể hỗ trợ cũng không hợp lý. Bởi dự luật quy định cả Chính phủ, các bộ, ngành, UBND, HĐND các tỉnh, VCCI… đều phải có nhiệm vụ hỗ trợ các DNNVV.

Hơn nữa, dự luật nêu ra tới bảy “món” hỗ trợ, từ đất đai, thuế, tín dụng, công nghệ… “Đây là một thứ lẩu không bình thường. Bảy món này, nếu chiếu theo luật thì không “đè” được lên các luật về thuế, đất đai, tín dụng” - ông Tuất nói.

Ở một góc độ khác, ông Tuất còn đề nghị bỏ từ “hỗ trợ” bởi từ này nếu đưa vào luật sẽ… xúc phạm các DN chân chính.

“Các DN đang cần kinh doanh sòng phẳng, có trách nhiệm với đất nước. Các DN không cần hỗ trợ mà cần được bảo vệ để làm ăn đàng hoàng, chính trực” - ông Tuất nói tha thiết.

Bởi theo ông Tuất, các DN Việt Nam hiện nay đang bị thương lái Trung Quốc dùng đủ mọi trò để ép giá, bị cạnh tranh bất chính và bị “hành là chính” ngay trên đất nước mình. “Các DNNVV mong muốn làm ăn đàng hoàng. Họ rất đáng thương trong thời hội nhập. Họ cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ” - ông Tuất nhận định.

Bài phát biểu ngắn của ông Tuất nhận được tràng pháo tay dài. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.