Các Startup Việt đã gọi vốn thành công hơn 670 triệu USD

Sự kiện nhằm đánh giá thực trạng, thách thức đối với việc phát triển doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố. Qua đó lắng nghe những đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ, góp phần để ngành CNTT tăng trưởng nhanh và bền vững, có vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, chính quyền số.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng các đại biểu tham quan triển lãm tại sự kiện sáng 28-12. Ảnh: Thu Hà

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Ngày hội doanh nghiệp CNTT và Trí tuệ nhân tạo TP.HCM năm 2019” là cơ hội để thành phố và các doanh nghiệp (DN) gặp gỡ thảo thuận các vấn đề thiết thực cần làm để xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Theo ông Phong, cùng với sự phát triển của KHCN với các cải tiến liên tục về kết nối số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet… là thời cơ lớn để TP bắt tay vào triển khai xây dựng đô thị thông minh, nhằm phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh của mình.

70% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là DN CNTT

Từ tháng 9-2019, TP đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng AI, nhằm mục tiêu xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI tại TP giai đoạn 2019-2025.

Cùng với đó, việc xây dựng đô thị thông minh và sáng tạo sẽ tạo sân chơi lớn cho các doanh nghiệp CNTT có động lực phát triển, nghiên cứu, cung cấp các giải pháp công nghiệp tiên tiến, từ đó thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của TP.

Ông Nguyễn Thành Phong nhận định trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì có đến 70% DN thuộc lĩnh vực CNTT. Điều này cho thấy tiềm năng của việc phát triển DN CNTT thông qua các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là rất lớn.

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử - CNTT của TP là hơn 5.600 doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ khoảng 3% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. TP cũng được xem là điểm sáng trong bức tranh khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, chiếm tới 40%-45% trong khoảng 3.000 startup của cả nước.

Nhiều Startup Việt đã gọi vốn thành công với tổng giá trị hơn 670 triệu USD cho khoảng 50 thương vụ; riêng TP.HCM chiếm gần một nửa với 23 thương vụ, tương ứng hơn 300 triệu USD.

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm với lãnh đạo TP.HCM và các đại biểu tham gia hội ghị. Ảnh: Thu Hà 

Gia tăng nhanh số lượng doanh nghiệp CNTT

 Đánh giá về thực trạng doanh nghiệp CNTT tại TP, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM nhận định ngành điện tử-CNTT có sự phát triển nhanh và sử dụng lao động có trình độ cao hơn hẳn so với các ngành khác. Ngành cũng đã đóng góp rất lớn trong sự phát triển của TP. Tuy nhiên ngành hiện nay vẫn chiếm chỉ trọng khiêm tốn trong nền kinh tế của TP.HCM.

Để định hướng phát triển ngành CNTT trong thời gian tới, ông kiến nghị Bộ TT&TT hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với sự phát triển của các loại hình kinh doanh mới hiện nay. Đồng thời ưu tiên phát triển các mô hình kinh doanh mới đáp ứng theo nhu cầu CN 4.0.

Phát biểu tại ngày hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý việc đề xuất thành lập Hội đồng phát triển CNTT. Ông cũng đề nghị các đơn vị phải tìm giải pháp để gia tăng nhanh số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này trong thời gian tới, đồng thời phát triển nguồn nhân lực trình độ cao.

Bên cạnh đó nên hạn chế thực trạng “Doanh nghiệp lớn nhận đề án thì DN nhỏ làm thương mại hết, không làm được dự án nữa” mà các DN đã phản ánh. "Nên thí điểm mô hình đấu thầu theo nhóm, tức là một DN lớn nhận dự án phải kèm theo 5-7 DN nhỏ để tránh tình trạng đối đầu, hoặc DN lớn ăn một mình” - ông Nhân nói.

Dịp này, Ban tổ chức cũng trao giải “CNTT - truyền thông TP.HCM lần thứ 11 năm 2019” với chủ đề “Hành trình vươn tới đô thị thông minh”. Đây là sự kiện nhằm vinh danh cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển TP. 

Theo báo cáo từ đơn vị thực hiện là Sở TT&TT, với 65 hồ sơ tham dự giải thưởng, qua tuyển chọn đã xuất hiện nhiều sản phẩm phục vụ tốt quá trình xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM ở các lĩnh vực như chuyển đổi số, kết nối vạn vật, điều hành và giải pháp ứng dụng cho người dân.

Trong khuôn khổ chương trình này còn kết nạp HueCIT tham gia Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Song song đó, Hội đồng Quản lý Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển và thu hút đầu tư vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung”. Đây cũng là sự kiện để thúc đẩy phát triển ngành CNTT của TP. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm