Các nước tìm giải pháp ổn định giá dầu mỏ

Dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới năm 2010 sẽ lên tới 86,6 triệu thùng/ngày. So với năm 2009, mức tăng này lớn hơn tới 1,6 triệu thùng/ngày, tương đương 1,8%.

Trong tháng 3-2010, lần thứ hai trong vòng một tháng, Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA) đã điều chỉnh tăng mức dự báo nhu cầu năng lượng thế giới năm 2010, sau khi các số liệu mới nhất được công bố cho thấy, mức tiêu thụ năng lượng khu vực châu Á tiếp tục tăng hơn dự kiến. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới năm 2010 sẽ tăng thêm 70 nghìn thùng lên 86,6 triệu thùng/ngày. Mức tăng này lớn hơn tới 1,6 triệu thùng/ngày, tương đương 1,8% so với con số năm 2009, đồng thời vượt mức tiêu thụ 86,2 triệu thùng/ngày của năm 2008.

Theo IEA, nhóm các nước nằm ngoài Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vẫn là những nước dẫn đầu về sức phục hồi tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Trong đó, nhu cầu từ nhóm các nước không thuộc OECD tại khu vực châu Á sẽ chiếm tới hơn một nửa nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. IEA dự báo, năm 2010, nhu cầu dầu mỏ của các nước châu Á sẽ đạt mức 26,7 triệu thùng/ngày, nhu cầu dầu mỏ ở Trung Ðông đạt 7,6 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 7,2 triệu thùng/ngày năm 2009.

Theo nhận định của IEA, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ chiếm khoảng một phần ba tổng nhu cầu dầu mỏ toàn thế giới năm 2010, đủ để bù đắp lại phần nào sự suy giảm nhu cầu của các nền kinh tế phát triển, nhất là các nước phương Tây. IEA đánh giá rằng, mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc có thể còn tăng thêm khi chính phủ nước này dự định sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nếu như áp lực lạm phát trong nước dịu đi. Theo đó, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc năm 2010 sẽ tăng thêm 130 nghìn thùng lên chín triệu thùng/ngày, tăng 6,2% so với năm 2009.

Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ các nước không thuộc nhóm OECD trong năm 2010 dự đoán sẽ đạt khoảng 41,2 triệu thùng/ngày, tăng thêm 1,7 triệu thùng hay tăng 4,3% so với mức tiêu thụ năm 2009. Con số này cũng tăng cao hơn 190 nghìn thùng dầu/ngày so với mức dự đoán trước đó mà IEA đã đưa ra. Ngược lại, nhu cầu dầu mỏ năm 2010 của các nước OECD lại giảm 120 nghìn thùng/ngày so với mức dự báo trước đó, xuống còn 45,4 triệu thùng/ngày, giảm 0,3% so với năm 2001.

IEA cũng cắt giảm mức dự báo về sản lượng dầu mỏ mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cần cung cấp cho thị trường nhằm cân bằng cung và cầu tiêu thụ thế giới. Theo đó, sản lượng dầu mỏ của OPEC sẽ chỉ đạt khoảng 29,3 triệu thùng/ngày, giảm 100 nghìn thùng so với dự báo mà IEA công bố hồi tháng 2 vừa qua.

Trong khi đó, theo Ủy ban năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA), tổng sản lượng tiêu thụ dầu mỏ trong năm 2010 của Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì ở mức hơn 400 triệu tấn. Một trong những nguyên nhân làm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ở nước này tăng là do sự gia tăng nhu cầu sử dụng xe hơi và sự hồi phục của ngành công nghiệp vận tải.

Ấn Ðộ, quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và là một trong bốn nước mới nổi thuộc nhóm BRIC cũng là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Theo thống kê, lượng tiêu thụ dầu mỏ của Ấn Ðộ lên tới hơn hai triệu thùng/ngày. Do sản lượng dầu mỏ của Ấn Ðộ chỉ đạt 700 nghìn thùng/ngày, vì vậy 70% nhu cầu năng lượng của nước này là được nhập khẩu.

Trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ tăng cao trong năm 2010, vụ tiến công khủng bố tại hai nhà ga tàu điện ngầm ở Nga mới đây đã ngay lập tức ảnh hưởng đến tình hình giá cả của một số mặt hàng chiến lược trên thế giới, khiến giá dầu mỏ tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng qua. Ngày 31-3, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã tăng xấp xỉ 84 USD/thùng, gần bằng mức cao điểm hồi tháng 10-2008. Tại thị trường Niu Oóc, giá dầu thô ngọt nhẹ giao trong tháng 5-2010 đã tăng lên mức 83,76 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao dịch trên thị trường Luân Ðôn có cùng thời hạn giao hàng cũng tăng lên mức 82,70 USD/thùng.

Việc dầu mỏ thế giới tăng giá một phần là do những lo ngại về nguy cơ phát sinh những vụ khủng bố tiếp theo ở Nga, gây gián đoạn một nguồn cung quan trọng đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Bên cạnh đó, việc các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu thống nhất được gói cứu trợ đối với vấn đề nợ của Hy Lạp, cùng những thông tin về việc đồng USD mất giá so với đồng ơ-rô và tình hình việc làm ảm đạm ở Mỹ cũng là những nhân tố tác động đẩy giá dầu mỏ thế giới tăng.

Nhằm ổn định giá dầu mỏ thế giới, mới đây, Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) lần thứ 12 đã họp tại Cancun (Mêhicô) với sự tham dự của đại diện hơn 60 nước, nhằm hối thúc các nhà sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ cùng chung tay ngăn chặn giá dầu biến động mạnh như đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua. Bên lề hội nghị này cũng diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng Quốc tế (IEBF) lần thứ tư, thu hút sự tham dự của lãnh đạo 36 công ty năng lượng quốc tế. IEF là khuôn khổ thảo luận về năng lượng lớn nhất thế giới được tổ chức hai năm một lần, nhằm kêu gọi các nước phối hợp hành động chung nhằm đối phó những rủi ro khi giá dầu lên xuống thất thường.

Theo Ðiền Tâm (ND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm