Các ngân hàng khó thu hồi nợ cho vay đầu tư chứng khoán

Chỉ thị 03 của Ngân hàng nhà nước buộc các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán xuống mức dưới 3% và thời hạn cuối cùng thực hiện là ngày 31-12. Thêm một lần nữa vấn đề này được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo “Những khó khăn vướng mắc trong kinh doanh dịch vụ ngân hàng năm 2007” do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức tại TP.HCM ngày 7-12.

Khó thu hồi nợ

Bà Lê Thị Diệu Thơ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, cho biết các ngân hàng thực hiện việc này không dễ, thực tế có nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ. Lý do là một số hợp đồng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán giữa ngân hàng và khách hàng đã ký kết trước khi Chỉ thị 03 ra đời. Do vậy, các ngân hàng không thể yêu cầu khách hàng thanh toán những hợp đồng trước thời hạn. Mặt khác, khi thị trường đang có sự sụt giảm mạnh, khách hàng khó có thể bán chứng khoán nên nguồn vốn để trả nợ khó khăn.

Đại diện Ngân hàng liên doanh Việt Thái cũng cho rằng Hiệp hội Ngân hàng nên kiến nghị với Ngân hàng nhà nước kéo dài thời gian thanh toán đối với những hợp đồng đã ký trước Chỉ thị 03, như vậy các ngân hàng mới thực hiện đúng những quy định của pháp luật. Trước đó, trong các cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng, nhiều đại diện ngân hàng cũng đưa ra kiến nghị này.

Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng ban pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, cho biết đây là chính sách tiền tệ quốc gia nên các ngân hàng phải thực hiện nghiêm trước, còn việc kiến nghị tính sau.

Cũng theo ông Triển, để đảm bảo tỷ lệ đúng theo Chỉ thị 03, có thể các ngân hàng phải nâng tổng dư nợ cho vay lên hoặc tích cực thu hồi nợ về. Riêng với những hợp đồng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán mà các ngân hàng đã ký với khách hàng trước khi Chỉ thị 03 ra đời, Hiệp hội đã kiến nghị Ngân hàng nhà nước cho lùi thời gian thanh lý. Ông Triển cho biết việc này chắc được vì như vậy mới đúng quy định của luật dân sự.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần (đề nghị không nêu tên) cho biết để đảm bảo đúng tinh thần Chỉ thị 03, ngân hàng của ông đã nâng tổng dư nợ cho vay lên và đây là quyết định táo bạo vì nguy cơ rủi ro rất cao, do nợ xấu khó đòi.

Cầm cố chứng khoán vay để sản xuất?

Bà Lê Thị Diệu Thơ đề nghị Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng nhà nước bỏ hình thức cho khách hàng vay tiền, ứng tiền bán chứng khoán ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Chỉ thị 03. Bởi lẽ đây là trường hợp cho vay thế chấp quyền phải thu và những khoản tiền vay này đã có tiền bảo chứng của bên mua. Mặt khác, bà Thơ cũng đề nghị Hiệp hội đề xuất với Ngân hàng nhà nước xem xét bỏ loại hình cho vay cầm cố chứng khoán để đầu tư cho mục đích sản xuất ra khỏi Chỉ thị 03. Chẳng hạn như cho vay cầm cố chứng khoán để đầu tư vào các dự án, sản xuất kinh doanh...

Về việc này, đại diện của nhiều ngân hàng khác cũng cho rằng đây không phải là loại hình cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán. Mặt khác, hiện nay nhu cầu mua bán có kỳ hạn cổ phiếu của khách hàng đang rất lớn nhưng chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về tính chất, nhóm nghiệp vụ này. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng đều lúng túng không dám mạnh dạn mở rộng dịch vụ trên, đề nghị Hiệp hội đề xuất với Ngân hàng nhà nước xem xét, ban hành quy định hướng dẫn cụ thể.

BÙI NHƠN - VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.