Cá Tra Việt Nam 'vượt rào' ngoạn mục

Ngày 18-2, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019.

Theo Tổng Cục Thủy sản, trong những tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra gặp rất nhiều khó khăn về thuế chống phá giá POR 13. Tuy nhiên, đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu lại tăng vượt bậc với 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2017.

Về giá cả, ông Võ Hùng Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết giá cá tra nguyên liệu dùng cho chế biến ở năm 2018 đạt hiệu quả tốt nhất trong lịch sử ngành xuất khẩu cá tra. Người nuôi cũng kiếm được từ vài tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng sau một vụ thu hoạch, còn các doanh nghiệp cũng đã đầu tư mở rộng từ khâu nuôi đến chế biến.

Để góp phần xây dựng thương hiệu Cá tra Việt Nam và giảm thuế, ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sao Mai cho rằng các bộ ngành chức năng nên tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, không nên lệ thuộc vào một thị trường cố định mà phải chủ động dịch chuyển cán cân cơ cấu thị trường từ Âu sang Á. Trong đó Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ rất mạnh các dòng sản phẩm từ cá tra Việt Nam.

Nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp

Còn ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng việc loại bỏ dần những doanh nghiệp làm ăn bát nháo là hết sức cần thiết để môi trường xuất khẩu được lành mạnh.

An Giang là tỉnh được Chính phủ chọn làm điểm thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp, nhưng ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết tỉnh cũng khó đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi cho toàn vùng. Thị trường có tín hiệu tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như mặt hàng lúa gạo hay thanh long khi ra thị trường Hồng Kông-Trung Quốc. Để giám bớt áp lực thì các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành hàng cá tra Việt Nam như một vận động viên đã vượt rào ngoạn mục để giành thắng lợi một cách trọn vẹn. Nhưng không vì thế mà các địa phương và doanh nghiệp “ngủ quên trên chiến thắng”. Bởi năm 2019 được dự báo có sự sụt giảm kinh tế thế giới cũng như tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ rủi ro về dịch bệnh do biến đổi khí hậu nên không được chủ quan.

Theo đó, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau thật chặt chẽ, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Chính quyền địa phương lưu ý không để người dân nuôi cá tự phát khi thấy giá cá đang đứng ở mức cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm