Buôn bán Việt Nam-Campuchia tăng mạnh

Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu nhưng tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam-Campuchia vẫn luôn tăng trưởng mạnh. Ba tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền đạt trên 432 triệu USD, tăng 127% so với cùng kỳ 2009.

Việt Nam và Campuchia đang nỗ lực hình thành và phát triển hệ thống chợ biên giới, nhằm tạo điều kiện mua bán trao đổi hàng hóa, giải quyết việc làm, thu nhập cho cư dân sống dọc theo đường biên giới hai nước. Song song đó, hai nước triển khai những biện pháp hợp tác quốc tế, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn tệ nạn xã hội… góp phần bảo vệ ổn định an ninh, chính trị khu vực biên giới.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, có 25 mặt hàng của nước bạn Campuchia được ưu đãi thuế quan 0%. Riêng hai nhóm còn áp dụng hạn ngạch là gạo và lá thuốc lá khô, với số lượng hạn ngạch ưu đãi lúa gạo là 200.000 tấn và 3.000 tấn lá thuốc lá khô.

Hàng hóa của Việt Nam xuất sang Campuchia, qua cửa khẩu của các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang… chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp như sắt thép, vật liệu xây dựng, vải sợi, hàng thực phẩm chế biến và rau quả. Trong khi đó sản phẩm xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam gồm gỗ, sản phẩm gỗ, cao su, hạt điều, sắn lát (khoai mì) cùng một số lượng lớn lúa gạo.

Trong năm 2009, chính phủ hai nước đã đồng ý nâng cấp một số cặp cửa khẩu như cửa khẩu Bình Hiệp (Long An) - Prây Vo (Svây Riêng) từ cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế. Nâng cấp các cửa khẩu phụ: Hoàng Diệu (Bình Phước) - Lapakhê (Mondunkiri), Vĩnh Hội Đông (An Giang) - Kom Pung Kroxăng (Tà Keo) trở thành cửa khẩu chính. Ngoài ra hai nước còn thỏa thuận nâng cấp một số con đường mòn, lối mở thành cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới.

Trả lời báo chí, ông Cham Prasidh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia, cho biết phía Campuchia cũng đang xúc tiến lập quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới đến năm 2020.

Ông Cham Prasidh đề nghị trong khả năng của mình, chính phủ Việt Nam nên hỗ trợ Campuchia bằng các nguồn vốn vay ưu đãi để nâng cấp một số tuyến đường giao thông, thuộc mạng lưới hạ tầng dọc theo tuyến biên giới. Nếu mở mang được đường sá, giao thương buôn bán giữa các chợ, các khu kinh tế sẽ phát triển thuận lợi hơn gấp nhiều lần so với thực trạng hiện nay.

TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm