Bước khởi đầu ấn tượng của ô tô điện ở Việt Nam

Hãng xe VinFast của Việt Nam đã khởi đầu một cách mạnh mẽ khi ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Ô tô điện của VinFast.

Ô tô điện của Thái Lan. Ảnh: TL

Khuấy động thị trường

Sau khi hãng xe VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng công bố sẽ bán chiếc ô tô điện “Made in Vietnam” đầu tiên ra thị trường, anh Tuấn Anh (nhân viên môi giới nhà đất ở quận 3, TP.HCM) đã đăng ký đặt cọc trên website của hãng. Anh Tuấn Anh là một trong số hàng ngàn người đã quyết định đặt cọc mua ô tô điện với mã định danh VF e34, dù đến tháng 11 mới chính thức mở bán và giao hàng.

“So với các xe chạy động cơ xăng thì chiếc ô tô điện này có giá bán khá hấp dẫn (690 triệu đồng, nếu đặt cọc trước ngày 30-6 được giảm 100 triệu đồng). Đặc biệt xe được trang bị nhiều công nghệ hiện đại” - anh Tuấn Anh nói về quyết định xuống tiền mua xe.

Sau động thái ra mắt mẫu ô tô điện đầu tiên mang tên VF e34, VinFast cũng vừa công bố thêm những hình ảnh đầu tiên về mẫu xe điện thứ hai với định danh VF e35.

Ông Nguyễn Lê Huy, Chủ nhiệm ngành kỹ sư robot và cơ điện tử ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá đây thực sự là một bước tiến lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói riêng và nền khoa học kỹ thuật công nghệ Việt Nam nói chung.

“VinFast thực sự có cơ hội rất lớn để tham gia vào nhóm các công ty hàng đầu cung ứng ô tô điện, cũng như các sản phẩm liên quan trong hệ sinh thái ô tô điện đến người tiêu dùng” - ông Huy bình luận.

Vào cuộc cạnh tranh

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty Hiền Toyota, nhìn nhận xe điện bị cạnh tranh với xe động cơ xăng về tính tiện lợi. Đầu tiên, xe xăng chỉ mất vài phút cho quá trình nạp nhiên liệu, trong khi xe điện là hàng giờ đồng hồ. Ngoài ra, các trạm xăng đều có ở khắp nơi trong khi trạm điện vẫn còn hạn chế.

“Nhìn chung ô tô điện có tầm hoạt động ngắn hơn xe truyền thống. Những người sở hữu ô tô điện sẽ đắn đo với hành trình dài, mà nếu tính toán không cẩn thận có thể sẽ mắc kẹt giữa đường với tình trạng nhiên liệu bằng 0. Tất nhiên vẫn có mẫu xe điện sạc nhanh cùng với lượng pin lớn đủ quãng đường dài nhưng đồng nghĩa giá cả sẽ đắt đỏ hơn. Chưa kể mẫu mã xe điện hiện nay cũng không đa dạng như xe xăng” - bà Hiền phân tích.

Không chỉ bị cạnh tranh bởi xe động cơ xăng, hãng xe Việt còn phải cạnh tranh với các ông lớn trên thế giới như Ford, Mercedes, Toyota, Honda. Đáng chú ý, mới đây Thái Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện cho toàn cầu. Thực tế các hãng xe hàng đầu thế giới đã chọn Thái Lan làm nơi sản xuất bán đi khắp toàn cầu và Việt Nam cũng là một trong những thị trường nhập khẩu xe lớn từ Thái Lan.

Nhìn về động thái của các nước và các hãng xe khổng lồ trên thế giới dễ nhận thấy hãng xe điện non trẻ Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều sức ép cạnh tranh. Tuy vậy, ông Nguyễn Lê Huy cho rằng Việt Nam có thị trường rộng lớn khoảng 100 triệu dân với dân số trẻ và yêu thích công nghệ, một nền kinh tế năng động bậc nhất châu Á hiện tại. Do vậy xe điện chắc chắn sẽ có “đất” sống, là xu hướng khó cưỡng lại.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng dù xe điện vẫn còn nhiều điểm hạn chế nhưng không phải không có thế mạnh. Đó là chi phí vận hành thấp, không yêu cầu bảo trì, bảo dưỡng phức tạp, chạy thích hơn xe xăng do ít bộ phận truyền động nên không bị rung lắc, ồn ào và khả năng tăng tốc nhanh. Vì vậy, nếu hãng xe Việt phát triển một hệ sinh thái tốt kết nối chặt chẽ với sản phẩm ô tô điện như hậu mãi, bảo hành và bảo trì, trạm sạc, dịch vụ bảo hiểm… sẽ thu hút được khách hàng.

Ô tô điện lên ngôi

Theo thống kê mới công bố của hãng nghiên cứu thị trường Canalys, năm 2020, doanh số ô tô điện toàn cầu tăng trưởng bất ngờ tới 39%, trái ngược hoàn toàn với sự ảm đạm của thị trường ô tô truyền thống, sụt giảm 14% vì COVID-19. Dự báo xe điện sẽ chiếm 48% thị trường ô tô vào năm 2030.

 
 

Nhiều nước hỗ trợ phát triển xe điện

Nhiều quốc gia đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ đặc biệt nhằm khích lệ các hãng xe phát triển mạnh mẽ xe điện, thay thế dần xe xăng.

Đơn cử Thái Lan đã ban hành các biện pháp khuyến khích mới để thúc đẩy sản xuất xe điện và chuỗi cung ứng như miễn thuế ba năm cho các nhà sản xuất xe plug-in hybrid; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tám năm cho các nhà sản xuất xe điện chạy pin.

Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 60 tỉ đôla để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô điện. Nước này cũng đang thúc đẩy một kế hoạch đầy tham vọng để chuyển đổi sang ô tô chạy hoàn toàn bằng điện hoặc hybrid vào năm 2035.

Đặc biệt, người mua xe điện ở châu Âu, Mỹ được nhà nước ủng hộ, hỗ trợ giá 5.000-12.000 euro/chiếc nhằm mục đích bảo vệ môi trường…

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, người có nhiều năm làm kỹ sư ô tô tại Đức, cho rằng Việt Nam có thể áp dụng các chính sách để khuyến khích thị trường ô tô điện, ví dụ như giảm, miễn phí cầu đường hoặc hỗ trợ thuế, phí. Bởi việc sử dụng xe điện sẽ có lợi cho môi trường, giúp chất lượng không khí tốt hơn, đặc biệt ở những TP lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm