Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Chọn đường đúng mới đi nhanh được'

Ngày mai, 10-6, Bộ KH&ĐT cùng Bộ KH&CN sẽ tổ chức “Diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo 2019”. Trước thềm diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với báo chí một số vấn đề về thị trường đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam.

Biến KHCN, đổi mới sáng tạo thành động lực cải cách

Theo Bộ trưởng Dũng, hiện nay, Việt Nam và một số công ty, tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài đã có một số cam kết và đang trong quá trình đàm phán. Tuy vậy khi nào đàm phán xong, có kết quả cuối cùng thì mới công bố các thỏa thuận hợp tác, đầu tư.

“Cộng đồng quốc tế rất quan tâm thị trường ĐMST của Việt Nam. Họ rất ủng hộ và mong muốn đặt trụ sở, kết nối với các trung tâm ĐMST, các start-up của Việt Nam”, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói cách mạng công nghiệp 4.0 là "cơ hội ngàn năm" để Việt Nam phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với thế giới. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ở tầm Chính phủ cũng có những cam kết. Chẳng hạn Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore đã đưa KHCN và ĐMST vào nội dung kết nối hai nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Dũng, muốn cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển được thì phải có một hệ sinh thái tốt. Trong đó, quan trọng nhất là “tứ trụ” gồm: nhân lực, thể chế, hạ tầng và vốn.

“Bộ KH&ĐT tiếp cận ĐMST ở góc độ kinh tế. Tức là phải phân tích làm rõ được tác động của KHCN và ĐMST đến nền kinh tế, làm rõ cách thức mà nền kinh tế phải thực hiện để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm biến nó thành động lực cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia”, Bộ trưởng Dũng nói.

Theo đó, KHCN phải là nền tảng để Việt Nam phát triển nhanh, có cơ hội thu hẹp được khoảng cách với thế giới phát triển. “Đây là cơ hội ngàn năm. Vậy phải có cách tiếp cận mang tính chất tầm nhìn”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Với KHCN và ĐMST, Bộ trưởng Dũng nói cần phải chọn được đường đi cho đúng. Ông ví dụ thực tế đời thường: “Từ Hà Nội đi Hà Đông nếu biết đường thì đi rất nhanh. Nếu không biết đường thì mất hàng tiếng đồng hồ, tốn xăng, rồi khói bụi ô nhiễm… Ở tầm quốc gia cũng vậy, cần phát triển thì phải xác định được con đường, điểm đến…”.

Kết nối nhân lực và nguồn vốn

Trong “tứ trụ” cho KHCN và ĐMST của Việt Nam, Bộ trưởng Dũng đề cập tới nhân lực và vốn cách sâu sắc.

Theo Bộ trưởng, cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và tiếp cận trụ cột này theo hai cách. “Một là quy tụ ngay các chuyên gia công nghệ người Việt đã được đào tạo bài bản, thành danh, đang làm việc ở các tập đoàn lớn, nổi tiếng trên thế giới. Chúng ta chỉ việc kết nối, tạo môi trường, điều kiện tốt để họ cùng nhau đóng góp cho đất nước. Hai là phải có chương trình đào tạo chuyên ngành, sâu, trong từng lĩnh vực, đào tạo từ bậc THPT trở lên”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng coi việc quy tụ những người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới là một biện pháp giải quyết nhân lực cho ĐMST của Việt Nam. ẢNH: CHÂN LUẬN

Về nguồn vốn cho ĐMST, Bộ trưởng Dũng thông tin, năm 2018, tốc độ tăng vốn của các quỹ đầu tư vào start-up tăng nhanh, lên tới 889 triệu USD, gấp 2 lần 2017. “Các quỹ cam kết dành ra một tỷ lệ vốn “rót” vào những ý tưởng tốt và ngày mai, 10-6 các quỹ sẽ công bố”, Bộ trưởng Dũng thông tin.

Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp Việt Nam 2019 là nơi quy tụ các quỹ đầu tư trong lĩnh vực này, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Diễn đàn sẽ diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM. Bộ trưởng Dũng hy vọng Diễn đàn sẽ “khơi thông được nguồn vốn cho khởi nghiệp, ĐMST mà Việt Nam đang nhắm đến như một động lực của đổi mới và cải cách”.

Theo chương trình, ngoài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về “môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam” và của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh về “hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm