Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Thắp lửa hành động, không ca cẩm'

Ngày 31-8, Bộ NN&PTNT ra mắt diễn đàn “Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản”. Diễn đàn nhằm kết nối giữa các khâu từ sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông đến tiêu thụ nông sản... trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá việc ra mắt diễn đàn này chính thức mở ra con đường mới cho nông nghiệp. Đó là con đường kết nối nông sản từ đồng ruộng, bờ ao, mảnh vườn ra thị trường trong nước và xuất khẩu, trong bối cảnh khó khăn do giãn cách xã hội.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Con đường mới của nông nghiệp

. Phóng viên: Bộ trưởng cho rằng việc ra mắt diễn đàn là con đường mới cho việc kết nối giữa cung và cầu nông sản. Vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ những hoạch định sắp tới của chiến lược mới này như thế nào?

+ Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Con đường mới này khẳng định ngành nông nghiệp sẽ chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Tư duy kinh tế được xác định từ thị trường chứ không phải được xác định từ khâu sản xuất. Bởi vì thị trường quyết định, điều chỉnh luôn việc sản xuất và kinh doanh nông sản.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng ngày xưa chúng ta bán cái mà chúng ta làm ra được. Bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần. Thị trường cần gì, cần ở thời điểm nào, chất lượng ra sao, phương thức mua - bán như thế nào… sẽ quyết định sự thành công khi chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Công nghệ kết nối người với vật được, vậy tại sao không kết nối trái xoài, trái thanh long, con cá… với thị trường. Chúng ta đặt ra câu hỏi thì sẽ tìm ra câu trả lời. Đó mới là điều hữu hiệu chứ không phải ngồi ca cẩm. Mọi điều đều phụ thuộc vào thị trường và cách ứng xử với thị trường.

. Diễn đàn liệu có giải quyết được bài toán kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản vốn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là trong mùa giãn cách xã hội?

+ Chỉ đáp ứng được nhu cầu thị trường khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được cung cấp đến tận nơi. Thấy tiện ích, người tiêu dùng sẽ đặt mua hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này để đưa ra những quyết sách phù hợp.

Tôi nhớ một câu nổi tiếng của một danh nhân: Khi người khác đếm điều không thể, tôi ngồi đếm điều có thể. Nghĩa là tùy vào tinh thần lạc quan của chúng ta, cảm xúc sẽ chi phối hành động của chúng ta. Mỗi người hãy thắp lên một ngọn lửa thì ánh sáng sẽ khơi dậy cho cuộc sống của chúng ta ấm áp, thành công hơn. Chúng ta nguyền rủa bóng tối thì bóng tối cũng không tan đi. Chúng ta phải thắp lửa hành động!

Đóng gói túi combo nông sản phục vụ nhu cầu nhân dân của tổ công tác Bộ NN&PTNT. Ảnh: CTV

Ký hợp đồng với bốn đơn vị phân phối lớn

TS Trần Minh Hải, thành viên tổ công tác của Bộ NN&PTNT, cho biết:Dù mới thành lập nhưng diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản đã ký bốn hợp đồng với các đơn vị gồm: Tập đoàn Central Retail, chợ đầu mối Thủ Đức, Sài Gòn Co.op, Công ty  Vietravel. Ngoài bốn hợp đồng này, một số đơn vị như Lazada, Chợ Tốt… đã liên hệ để bàn cách hợp tác.

Trước đó, Tập đoàn Central Retail đã liên kết với tổ công tác và cam kết tiêu thụ 10.000 combo nông sản 10 kg. 

Như khớp lệnh trên thị trường chứng khoán

. Thông qua diễn đàn, ở góc độ của mình, Bộ NN&PTNT sẽ kết nối với các bên liên quan như thế nào?

+ Như tôi hay nói, nền nông nghiệp của mình hay bị đứt gãy do rất nhiều nguyên nhân. Dịch bệnh COVID-19 chỉ tác động trong một thời điểm nhưng bình thường thì lâu lâu tình trạng đứt gãy cũng xảy ra và lặp lại theo tính chu kỳ. Vì sự mù mờ về thông tin, về tích hợp dữ liệu. Lâu lâu chúng ta lại nghe kêu gọi giải cứu thanh long, dưa hấu, xoài, hành tím...

Do đó, diễn đàn này ra đời từ sáng kiến của tổ công tác thuộc Bộ NN&PTNT đã giúp cho người sản xuất và người tiêu dùng gặp nhau trên không gian mạng. Đó là nơi mà chúng ta không cần thiết phải gặp mặt trực tiếp do COVID-19 và quỹ thời gian có hạn, khi một bên lo sản xuất, một bên lo kinh doanh.

Diễn đàn này cũng giúp khớp nối các dữ liệu đầu cầu, đầu cung. Nó cũng giống như khớp lệnh thị trường chứng khoán... Thị trường nó là như vậy thôi.

. Điều này cũng có nghĩa là cần phải định hình lại chiến lược quản lý của ngành nông nghiệp theo tư duy mới, thưa Bộ trưởng?

+ Đúng. Diễn đàn còn có ý nghĩa giúp cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Bộ NN&PTNT nhìn rõ hơn, định hình cả chuỗi sản xuất nông nghiệp từ sản xuất tới phân loại, bảo quản, chế biến, logistics, vận chuyển, thị trường. Qua đó, điều chỉnh lại các kế hoạch, định hình chiến lược phát triển từng loại nông sản.

Khi nhìn rõ được bức tranh của thị trường sẽ giúp chúng ta quyết định điều chỉnh lại đầu sản xuất. Đồng thời, nó cũng kích thích bà con muốn bán trên diễn đàn này thì phải xây dựng mã định danh vùng trồng, vùng nuôi; phải sản xuất có chất lượng và sản xuất mang tính chất hợp tác với nhau, thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Mở không gian phát triển cho cả chuỗi ngành hàng

. Ở góc độ Bộ NN&PTNT, ông có khuyến cáo gì với các địa phương để vận hành diễn đàn này hiệu quả nhất?

+ Tôi muốn nhấn mạnh rằng mỗi địa phương hãy hiểu giá trị của diễn đàn. Đây không phải là nơi giải cứu hay chỉ bán nông sản cho bà con, mà còn định hình lại chiến lược quản lý của ngành nông nghiệp theo tư duy mới, đó là tư duy kinh tế nông nghiệp. Việc giúp bà con buôn bán chỉ là một phần, quan trọng hơn là nó mở ra một không gian phát triển cho chuỗi ngành hàng nông nghiệp của địa phương, người nông dân.

. Làm thế nào để người nông dân có thể tiếp cận nhanh hơn với diễn đàn, thưa Bộ trưởng?

+ Sau diễn đàn này chúng tôi sẽ có thông cáo báo chí. Tiếp đó sẽ chuyển về các địa phương để các địa phương thông qua hệ thống của mình sẽ lan tỏa giá trị của diễn đàn để người nông dân tiếp cận. Diễn đàn sẽ phát đi tín hiệu, từ đó bà con nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra thế giới.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Ông NGUYỄN HOÀNG ANHPhóChủtịch Hiệp hội Nông nghiệp sốViệt Nam:

Năm vấn đề để diễn đàn kết nối thành công

Trong tương lai, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức do chuỗi cung ứng sẽ gãy đổ vì mất chỗ dựa, thiếu nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào. Vì vậy để diễn đàn kết nối thành công, tôi đưa ra một số đề xuất.

Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo để xác định một đầu mối xây dựng bộ khung quy tắc về liên kết chuỗi cho từng sản phẩm, ngành hàng cụ thể. Thứ hai, chọn các công ty đầu tàu trong ngành để hưởng ứng tham gia vào chuỗi khi có bộ khung quy tắc này.

Thứ ba, chọn các sản phẩm và đặt ra hạn ngạch, tỉ trọng. Sau đó rà soát quy hoạch vùng, địa phương có lợi thế, phù hợp năng lực sản xuất cho từng sản phẩm, ngành hàng từ giống đến nuôi trồng, quy hoạch, lưu trữ, chế biến, thương mại.

Thứ tư, Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho sản xuất sản phẩm của các ngành hàng hoặc xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP) để phát triển hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ năm, cần hỗ trợ công tác truyền thông mạnh mẽ để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng ra thị trường mở.

Ông ĐINH MINH HIỆPGiám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM:

Cần nâng cấp hệ thống đăng ký mua sắm online

Thời gian qua, TP.HCM đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ tổ công tác của Bộ NN&PTNT. Hiện nay, gói combo nông sản 10 kg đã nhận được nhiều đơn hàng nhưng do thiếu nhân viên giao hàng nên phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến nhu cầu của người dân chưa được đáp ứng. TP.HCM đã chỉ đạo Sở NN&PTNT sớm làm việc với các quận, huyện để tiếp tục duy trì việc cung ứng các gói combo nông sản 10 kg.

Qua diễn đàn, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ bổ sung các hợp tác xã vào đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Thứ hai, cần tăng cường nâng cấp hệ thống đăng ký mua sắm online.

Thứ ba, cần đẩy mạnh triển khai việc kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến và thành lập các kho trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc điều phối các gói cung ứng. Thứ tư, cần tăng cường nguồn nhân lực để cung ứng cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm