Bộ Tài chính đang rà soát thuế xuất khẩu phôi thép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Bộ Tài chính đã có thông tin phản hồi về các ý kiến liên quan đến thuế xuất nhập khẩu đối với thép.

Trước đó, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020 về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập ngoài hạn ngạch thuế quan.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại nguyên nhân dẫn đến việc giá thép xây dựng tăng cao vừa qua và rà soát toàn diện tác động của việc điều chỉnh thuế với phôi thép, để từ đó xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và Nghị định số 57/2020, mức thuế xuất khẩu được xây dựng dựa trên nguyên tắc áp dụng mức cao đối với nguyên liệu, tài nguyên ở dạng thô và giảm dần đến các sản phẩm có mức độ chế biến cao hơn (nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên chưa qua chế biến).

Theo nguyên tắc đó, mức thuế xuất khẩu đối với nhóm nguyên liệu thô để sản xuất thép là 40% đối với quặng và 15%-17% đối với phế liệu. Riêng phôi thép là bán thành phẩm (được sản xuất từ quặng và thép phế liệu) có mức thuế suất thuế xuất khẩu 0%.

Tuy nhiên với tình hình giá thép hiện nay,  Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5% và giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thép.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu với một số mặt hàng sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước nhưng mức ảnh hưởng dự báo không lớn. Bởi nhu cầu nhập khẩu các loại sắt thép này hiện nay không cao. Đây là những loại thép mà trong nước cũng đã sản xuất được và cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng việc đặt vấn đề tăng thuế xuất khẩu phôi thép sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất phôi thép do dư thừa công năng, làm gia tăng hàng tồn kho.

Nguồn cung phôi thép sản xuất trong nước đang dư nên việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép cũng chưa hẳn sẽ góp phần làm giảm giá thành thép thành phẩm. Để thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững, hạn chế việc khai thác nguồn điện giá rẻ, sản xuất phôi thép cần phải có các giải pháp tổng thể khác.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát để có mức thuế suất phù hợp đối với mặt hàng phôi thép.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm