Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ kết quả kiểm tra 5 đại gia sữa

Cuộc kiểm tra nhằm vào năm doanh nghiệp nắm 90% thị phần sữa cho trẻ, gồm Vinamilk, Dinh dưỡng 3A, Nestle VN, Campina VN, và Mead Johnson VN. Trong số này, chỉ có Vinamilk và Capina VN chuyên nhập nguyên liệu về sản xuất. Còn lại đều kinh doanh dưới hình thức mua đứt bán đoạn, nhập khẩu sữa nước ngoài về phân phối ở VN.

Xác minh cho thấy từ cuối năm 2013 đến tháng 4-2014, các doanh nghiệp chủ chốt này đã kê khai tăng giá bán nhiều sản phẩm sữa khác nhau. Có đơn vị chỉ tăng ở mức 5-9%, nhưng có những doanh nghiệp mức tăng tới 11-30%. Một số công ty kê khai tăng giá nhưng đến 14-4 chưa tăng giá trên thực tế. Vừa tăng giá, các công ty sữa vừa tung ra các chương trình khuyến mãi.

Cuộc kiểm tra đã phát hiện một số sai phạm như DN không kê khai đủ các sản phẩm tăng giá, hạch toán chi phí bất hợp lý, tỷ lệ chi cho quảng cáo vượt quá mức luật cho phép. Có trường hợp, Cục Quản lý giá có công văn yêu cầu giải trình, doanh nghiệp chưa thực hiện nhưng vẫn tăng giá.

Đáng chú ý, qua kiểm tra tài chính thấy các doanh nghiệp này đều có mức lãi rất lớn, từ 20-30% trong năm 2013.

Theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm các nước cho thấy có nhiều cách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Như  Mỹ, EU chi ngân sách trợ giá sản phẩm sữa. Thái Lan, Malaysia thì kiểm soát giá theo cách đưa vào nhóm mặt hàng cơ bản đăng ký giá, mà việc tăng giá phải được Bộ Thương mại đồng ý…

VN là thị trường sữa lớn, đang phát triển mạnh, với khoảng 10 triệu người tiêu dùng. Trong số này, trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt. Vì vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị áp dụng cơ chế đăng ký giá với các sản phầm sữa cho trẻ đến 6 tuối. Qua đó ngăn chặn DN tăng giá bất hợp lý.

Thảo luận về chủ đề này, các thành viên CP đều đồng tình chủ trương kiểm soát giá sữa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng kiểm soát cụ thể thế nào cho phù hợp thực tế cũng như pháp luật và các cam kết quốc tế thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tài chính bàn với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan nghiên cứu, đảm bảo minh bạch, công khai.

“Hội nhập quốc tế rồi, làm gì cũng phải theo pháp luật. Cần có giải pháp cụ thể, bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng trong nước, nhưng chặt chẽ để doanh nghiệp người ta chấp nhận, tuân thủ”, Thủ tướng nói.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm