Bỏ giá trần vé máy bay: Ai hưởng lợi?

Trước tình hình khó khăn do chi phí đầu vào và tỉ giá USD/VND tăng cao, các hãng hàng không trong nước đã có kiến nghị cho phép nâng giá trần vé máy bay nội địa. Có ý kiến còn đề xuất nên xóa bỏ cơ chế giá trần như hiện nay để tạo điều kiện kinh doanh cho các hãng hàng không, từ đó hành khách đi máy bay cũng được hưởng lợi.

Kinh doanh thua lỗ

Đến nay đã có ba hãng hàng không có kiến nghị tăng giá trần. Vietnam Airlines (VNA) kiến nghị tăng trần giá vé máy bay tuyến Hà Nội-TP.HCM lên 2,4 triệu đồng, Jetstar Pacific Airlines (JPA) tăng lên 4 triệu đồng, còn Air Mekong đề xuất tăng 30% so với mức giá cũ.

Lý do tăng giá trần, theo các hãng hàng không là do việc quy định giá trần đã khiến các hãng càng kinh doanh càng thua lỗ. Trong năm 2010, lượng khách vận chuyển tăng cao, VNA đạt doanh thu tới hơn 36.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về của VNA chỉ đạt con số khiêm tốn 350 tỉ đồng do hãng đã chi 1.000 tỉ đồng do sự tác động của giá xăng dầu, tỉ giá. Chưa kể trong năm qua VNA còn phải bù lỗ khoảng 30 triệu USD cho mạng bay nội địa.

Bỏ giá trần vé máy bay: Ai hưởng lợi? ảnh 1

Bị quản bởi giá trần nên dù lượng hành khách tăng cao nhưng không sinh lợi vì chi phí đầu vào ngày càng tăng. Ảnh: Q.TRUNG

Còn theo JPA, năm 2010 hãng này đạt doanh thu 2.500 tỉ đồng nhưng vẫn thua lỗ. Do xăng dầu và tỉ giá tăng nên trong năm qua JPA đã phải chi thêm gần 460 tỉ đồng. “Tỉ giá USD/VND đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của JPA. Theo kế hoạch dự phòng của JPA, giá 1 USD khoảng 21.000 đồng nhưng không ngờ đã vượt quá 22.000 đồng. Hơn 80% chi phí đầu vào của JPA đều tính bằng USD, chủ yếu trả cho xăng dầu, thuê máy bay, phi công, kỹ thuật… Cái khó hiện nay của hàng không là chi phí tăng mà lại bị khống chế giá trần nên các hãng không được tăng giá bán” - ông Tạ Hữu Thanh, Phó Tổng Giám đốc thương mại JPA, cho hay.

Ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải hàng không, Cục Hàng không VN, cho biết năm 2010, lượng khách đi lại bằng đường hàng không tăng 20% so với năm 2009. Tuy nhiên, lợi nhuận của các hãng hàng không tăng không đáng kể, thậm chí thua lỗ.

Bỏ giá trần chỉ còn là vấn đề thời gian

Điều gì sẽ xảy ra khi giá vé máy bay được điều tiết theo cơ chế thị trường?

Thứ nhất, giá vé bán trong dịp cao điểm (sát ngày bay, lễ, tết...) sẽ cao hơn giá trần hiện nay, phản ánh quy luật cung cầu (cầu tăng thì giá tăng, cung tăng thì giá giảm). Ngược lại, giá vé dịp thấp điểm sẽ giảm. Từ đó số lượng chỗ dành cho giá rẻ sẽ tăng, kích thích thị trường tăng trưởng, giảm bớt tính lệch đầu và thời vụ.

Thứ hai, khi bỏ giá trần, việc bay tăng chuyến không còn là gánh nặng kinh doanh đối với các hãng mà sẽ trở thành cơ hội kinh doanh. Các hãng sẽ năng động tìm cách tăng chuyến bằng nguồn lực của mình, thuê ngắn hạn máy bay từ nước ngoài để đáp ứng nhiều nhất nhu cầu của hành khách.

Thứ ba, khi bỏ giá trần, số lượng chỗ dành cho giá vé rẻ sẽ nhiều hơn. Lý do các hãng bán được giá vé cao hơn cho hành khách mua vé sát giờ bay, ngày bay, dịp cao điểm... Từ đó, hãng đủ tự tin và năng lực để bán vé giá rẻ nhằm kích thích sự tăng trưởng của thị trường.

Thứ tư, thị trường nội địa tăng trưởng tốt, có lãi là điều kiện để các hãng tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng và đầu tư vào các đường bay quốc tế. Hiện tại, gánh nặng của đường bay nội địa không cho phép các hãng có điều kiện cạnh tranh trên đường bay quốc tế. Điều này dần làm cho các hãng mất dần thị phần trên thị trường quốc tế. Thực tế, hiện nay khai thác đường bay quốc tế tuy khó nhưng nếu khai thác tốt thì lợi nhuận cao hơn đường bay nội địa.

Thứ năm, việc áp dụng giá vé máy bay theo thị trường sẽ tạo ra một thị trường hàng không nội địa năng động, tăng trưởng cao, từ đó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, khai thác sân bay ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, một thị trường hàng không nội địa phát triển năng động sẽ hỗ trợ phát triển mạnh mẽ các ngành nghề kinh tế địa phương, đặc biệt là đầu tư, du lịch.

Thị trường tự điều tiết

Dù việc bỏ giá trần được đánh giá đem lại hiệu quả cho ngành hàng không nhưng phía cơ quan quản lý lo ngại các hãng sẽ tăng giá vé “vô tội vạ” vào dịp cao điểm lễ, tết, khi nhu cầu đi lại tăng cao. Chính vì lo ngại này nên việc xây dựng giá trần nhằm khống chế các hãng không được phép tăng giá vé vượt giá trần vào những lúc cao điểm.

Tuy nhiên, đại diện các hãng cho rằng sẽ không có các hãng tăng giá vé lên quá cao sau khi bỏ giá trần. Hiện nay, ngoài một số đường bay độc quyền, phần lớn các đường bay đều có sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng. Do đó, hãng nào tăng giá vé lên cao một cách bất hợp lý đồng nghĩa với việc tự đánh mất thị phần trên đường bay đó.

Giá trần cao nhất hơn 1,8 triệu đồng

Hiện giá trần quy định vé một chiều hạng phổ thông cao nhất cho cự ly dưới 300 km là 682.000 đồng, từ 300 đến 500 km là 864.000 đồng, từ 500 đến 850 km là 1,182 triệu đồng và trên 850 km là 1,819 triệu đồng (chưa kể 10% thuế giá trị gia tăng và phí sân bay).

Có quy định nhưng chưa áp dụng

Trên thực tế, việc xóa bỏ giá trần vé máy bay đã được quy định trong Thông tư liên tịch Bộ Tài chính-Bộ Giao thông vận tải số 103 ban hành ngày 12-11-2008, thay thế cho Thông tư 22 ngày 21-3-2007. Theo đó, giá trần chỉ áp dụng cho các đường bay độc quyền.

Còn đối với đường bay cạnh tranh (có hai hãng trở lên khai thác), các hãng được tự quy định giá theo cơ chế thị trường và thực hiện đăng ký giá, kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, dù ban hành nhưng đến nay Thông tư 103 vẫn chưa được triển khai. Do đó, các hãng hàng không vẫn hoạt động theo Thông tư 22.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm