Blue-chips đồng loạt tăng giá kịch trần

Ngay đầu phiên giao dịch sáng 26/3, một lượng lớn lệnh đặt mua cổ phiếu giá trần và lệnh ATO (mua ở mức giá chốt đợt 1), đã được tung vào hệ thống. Đa số cổ phiếu, đặc biệt nhóm các cổ phiếu dẫn dắt thị trường tăng giá mạnh kéo chỉ số VN-Index dễ dàng vượt ngưỡng 280 điểm. Khối lượng giao dịch trong đợt 1 tăng vọt lên gần 5,7 triệu cổ phiếu, trị giá 135,4 tỷ đồng.

Sự hưng phấn kéo dài tới cuối phiên.

Chung cuộc, trong 20 mã cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường, chỉ có HAG của Hoàng Anh Gia Lai đứng giá, còn lại đều tăng giá, trong đó đa số tăng hết biên độ cho phép hiện tại là 5%.

Các mã blue-chips duy trì được mức tăng giá kịch trần (+5%) và có dư bán trống trơn phiên thứ 3 liên tiếp bao gồm: DPM của Đạm Phú Mỹ, HPG của Tập đoàn Hoà Phát, ITA của Khu công nghiệp Tân Tạo, cổ phiếu mới lên sàn PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, PPC của Nhiệt điện Phả Lại, REE của Cơ điện lạnh REE, VIC của Vincom.

Một số mã blue-chips khác sáng nay cũng tăng trần và có dư bán bằng 0 bao gồm: GMD của Gemadept, SSI của Chứng khoán Sài Gòn, TDH của Nhà Thủ Đức…

Cổ phiếu STB của đại gia Ngân hàng Sacombank hôm nay tăng nhẹ, bất chấp thông tin Ngân hàng ANZ có thể bán cổ phần đang nắm giữ tại STB.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 8,62 điểm (3,1%) lên 286,25 điểm. Tính chung trong 3 phiên vừa qua, chỉ số này tăng 26,09 điểm (+10,03%).

Trong tổng số 177 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE (thêm HT2 của Xi măng Hà Tiên 2 sáng 26/3 niêm yết 88 triệu cổ phiếu), có 100 mã tăng giá (44 mã tăng trần), 51 mã giảm giá (7 giảm sàn), 29 mã đứng giá và 1 mã không giao dịch (BAS của CTCP BASA). Khối lượng và giá trị giao dịch khớp lệnh tiếp tục đứng ở mức cao là 26,2 triệu đơn vị và 573,5 tỷ đồng.

“Thị trường đang có xu hướng đi lên rất rõ rệt. Bán vào thời điểm này nhiều mã lãi gần 50% nhưng tôi chưa bán”, anh Ngọc - một nhà đầu tư có mặt trên sàn SeABank sáng nay nói.

Khá nhiều nhà đầu tư khác có mặt tại đây cũng có cùng niềm tin như vậy.

“Thị trường thế giới gần đây liên tục phát ra tín hiệu khả quan. Trong nước cũng vậy, gói kích cầu đang được triển khai mạnh; lạm phát giảm; xuất khẩu tăng; GDP quý I chỉ đạt 3,1%, thấp hơn mong đợi của các nhà đầu tư trong nước, nhưng theo tôi là vượt dự đoán của các nhà đầu tư nước ngoài - yếu tố quyết định lớn tới xu hướng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam”, anh Hưng - một nhà đầu tư cho biết.

Theo nhà đầu tư này, việc các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu blue-chips trong 5-6 phiên gần đây là do dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ hoạt động tốt trở lại trong thời gian tới, chứ không phải là để “làm đẹp” bản báo cáo hàng năm (kết thúc vào 31/3) của mình.

Mặc dù niềm tin của các nhà đầu tư trong nước đang tăng lên khá mạnh, nhưng trên thực tế áp lực bán ra cũng đang có xu hướng tăng lên. Riêng trong phiên hôm qua (25/3), số lượng đặt bán cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh đã tăng vọt khoảng 70% so với phiên liền trước lên 39,6 triệu đơn vị.

Hơn thế nữa, với mức tăng trung bình gần 8% trong 3 phiên qua thì áp lực bán chốt lời có thể tiếp tục tăng trong phiên ngày mai (27/3) hoặc đầu tuần sau.

Trở lại diễn biến trong phiên giao dịch sáng nay (26/3), hầu hết các cổ phiếu blue-chips được khối ngoại mua vào mạnh.

DPM của Đạm Phú Mỹ tăng giá trần 1.500 đồng lên 32.500 đồng với 1,86 triệu đơn vị được chuyển nhượng, trong đó khối ngoại mua 0,4 triệu.

Cổ phiếu mới lên sàn PNJ của Vàng bạc đá qúy Phú Nhuận tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tăng trần lên 52.500 đồng/cp.

Các cổ phiếu FPT, HPG, PPC, PVD, PVF tiếp tục thu hút được sự quan tâm khá lớn của các nhà đầu tư nước ngoài và đều tăng giá rất mạnh.

Về khối lượng giao dịch, dẫn đầu là STB của Sacombank với 3,32 triệu đơn vị. DPM của Đạm Phú Mỹ theo sau với 1,86 triệu. SSI của Chứng khoán Sài Gòn đứng ở vị trí thứ 3 với 1,39 triệu. SAM của Sacom và PVT của PV Trans đứng ở các vị trí tiếp theo với 1,27 và 1,17 triệu đơn vị.

Trên Sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số HASTC-Index lần đầu tiên kể từ 23/1 quay trở lại ngưỡng 100 điểm.

Cụ thể, chỉ số HASTC-Index tăng 1,61 điểm (1,64%) lên 100 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội sáng 26/3 giảm khoảng 9% lên 13,3 triệu đơn vị, trị giá 259,4 tỷ đồng.

Trong các cổ phiếu lớn, chỉ có BCC và VNR giảm tương ứng 100 và 2.000 đồng xuống 12.000 đồng/cp và 35.500 đồng/cp, còn lại đều tăng giá, trong đó có BVS của Chứng khoán Bảo Việt và KBC của Phát triển đô thị Kinh bắc tăng trần.

Những cổ phiếu tăng giá trên 45% kể từ 24/2 tới 26/3 trên 2 sàn chứng khoán:

HOSE

TRI (64,6%); HRC (56%); HAP (55,8%); BMI (54%); CII (53,2%); GMD (50,5%); PET (50%); BMC (49,4%); AGF (48,2%); ITA (46,7%); REE (46,7%).

HASTC

HPC (67,1%); TLT (61,4%); KLS (57,5%); PAN (56,8%); S99 (53,5%); BVS (50%); KBC (46%); SD8 (45,7%).

Theo Hà Linh ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm