Bình xăng ô tô 'nội' đắt gấp 2 lần ngoại, làm sao cạnh tranh?

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng ban phụ trách chiến lược và đối ngoại Công ty Toyota Việt Nam, cho biết xe ô tô sản xuất tại Việt Nam có đến 80% linh kiện phải nhập khẩu.

Thông tin trên được ông Hiếu đưa ra tại buổi hội thảo trong khuôn khổ đợt Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam 2020 do Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức, diễn ra từ ngày 9 đến 11-12, tại Hà Nội.

Ô tô lắp ráp tại Việt Nam có đến 80% linh kiện là nhập khẩu

Theo ông Hiếu, thị trường Thái Lan và Indonesia đang có khoảng 1 triệu xe ô tô, còn Việt Nam tính đến đầu năm 2019 có khoảng 340 nghìn xe.

Về sản xuất, sản lượng xe của Thái Lan khoảng 2 triệu xe, Indonesia khoảng 1,2 triệu xe, Việt Nam khoảng 200 nghìn xe.

Khách tham quan Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam 2020. Ảnh: AN HIỀN

Nhìn vào con số đó, quy mô sản xuất xe ô tô của Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với Thái Lan, bằng 1/5 của Indonesia. Với sản lượng như vậy, thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan có hơn 2.000 nhà cung ứng, Indonesia khoảng 800  và Việt Nam khoảng gần 300 nhà cung ứng.

"Khi đi sâu vào phân tích cấu trúc của một chiếc xe thì các xe sản xuất tại Thái Lan hay Indonesia có phần lớn linh kiện sản xuất tại chính nước đó, quy mô sản lượng tương đối cao, chỉ khoảng 10% là nhập khẩu. Với xe sản xuất trong nước tại Việt Nam có đến 80% linh kiện phải nhập khẩu" - ông Hiếu cho biết.

Phân tích thêm, ông Hiếu cho biết so với các nước thì ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có lợi thế là nguồn nhân lực chất lượng cao rẻ hơn. Cạnh đó, khi sản xuất linh kiện tại Việt Nam sẽ giảm được chi phí vận chuyển linh kiện đó từ nhà cung ứng đến nhà lắp ráp xe.

Điểm bất lợi là quy mô thị trường còn nhỏ. Ngành sản xuất vật tư vật liệu chất lượng cao còn yếu. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô của Việt Nam phát triển chậm hơn các nước như Thái Lan, Indonesia khoảng 30 năm. Bởi vậy kinh nghiệm quản lý, trình độ kỹ thuật của họ cao hơn.

Tiếp tục đánh giá, đại diện Toyota Việt Nam cho biết thực tế Việt Nam đã nội địa hóa được những linh kiện có nhiều ưu thế như linh kiện cồng kềnh, nếu nhập ở nước ngoài về thì tốn chi phí logistics và những linh kiện tốn nhiều lao động. Thậm chí có những doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu ra toàn cầu và cạnh tranh rất mạnh mẽ. "Tôi cũng được biết Việt Nam mỗi năm xuất khẩu ra toàn cầu khoảng 4-5 tỷ USD linh kiện ô tô" - đại diện Toyota nhấn mạnh.

Điểm nghẽn ở đâu?

Trong số những điểm bất lợi của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có vấn đề về giá cả kém cạnh tranh. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng ban phụ trách chiến lược và đối ngoại Công ty Toyota Việt Nam, lấy ví dụ cụ thể về việc làm một cái lắp bình xăng bằng thép. Báo giá lần đầu của nhà cung cấp trong nước là 3,8 USD, trong khi đó Toyota có thể nhập khẩu từ nước ngoài về tận nhà máy là 1,5 USD.  

"Với chênh lệch chi phí như vậy, cộng với nhiều linh kiện cũng có giá chênh lệch thì khi lắp vào chiếc xe sẽ có giá thành cao hơn xe sản xuất tại nước ngoài. Điều này sẽ không tạo ra được cạnh tranh" - ông Hiếu nhận xét.

Tổng kết lại, theo ông Hiếu, chìa khóa thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ là là thúc đẩy và hiện thực hóa mô hình tăng trưởng thị trường, dẫn đến tăng sản xuất xe, tăng sản xuất linh kiện. Để đạt được điều đó cần sự hỗ trợ ở cả ba khu vực, là duy trì thị trường tăng trưởng ổn định, mà trong giai đoạn COVID-19 vừa rồi Chính phủ đã rất kịp thời đã cho phép miễn giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước.

Thứ hai là chính sách để đảm bảo duy trì sản xuất của xe trong nước bằng cách bù đắp chênh lệch chi phí 10-20%. Ví dụ như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành khác cùng phối hợp với các hiệp hội ô tô, nhà sản xuất trong nước tìm cách giảm bớt chênh lệch chi phí liên quan đến các chính sách, doanh nghiệp nào nội địa hóa nhiều hơn thì được ưu đãi nhiều hơn...

Thứ ba là chính sách để đẩy nhanh nội địa hóa đối với các nhà cung ứng thông qua hỗ trợ cho việc sản xuất linh kiện. Đồng thời các chính sách về hỗ trợ chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu tư ban đầu để giảm tỷ suất đầu tư ban đầu của nhà cung ứng linh kiện là hết sức quan trọng.

“Trước đây tăng trưởng của ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế do yếu tố bất lợi của ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là yếu tố về sản lượng. Hiện nay với nỗ lực của doanh nghiệp, các chủ trương của Chính phủ, Ban ngành thì thị trường Việt Nam đang có cơ hội rất tốt để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và xây dựng nền tảng vững chắc để có thể cất cánh.

Để làm được điều đó quan trọng là cần giải pháp sớm, cụ thể để áp dụng được ngay” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.