Bí thư Đồng Tháp hiến kế thoát khỏi 'lời nguyền' lúa gạo

Ngày 26-2, tại Đồng Tháp đã diễn ra Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Theo đánh giá của ngành chức năng và các chuyên gia, mặc dù năm 2018 tình hình xuất khẩu gạo đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, tuy nhiên Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Theo đó từ cuối 2018 đến nay việc tiêu thụ gạo gặp một số khó khăn, giá gạo giảm. Xuất khẩu gạo tháng 1/2019 giảm về khối lượng và giá trị.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng ngoài việc xử lý tình huống cho vụ Đông Xuân này, chúng ta còn xác lập tầm nhìn dài hạn hơn đối với một ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân trồng lúa ở Đồng bằng.

Theo đó chúng ta thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng có thể không đóng góp nhiều cho giá trị xuất khẩu nhưng là sinh kế cho hàng chục triệu nông dân Đồng bằng.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan.

“Nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo, để không tiếp tục được giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi lời nguyền “chi phí cao, chất lượng kém". Để vượt lời nguyền đó, không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện", Bí thư tỉnh Ủy Đồng Tháp khuyên.

Một chiến lược dài hạn không thể thực thi khi tư duy mùa vụ của nông dân và tư duy thương vụ  của doanh nghiệp còn tồn tại. Thương hiệu hạt gạo không thể xây dựng trên nền tảng niềm tin giữa người nông dân và doanh nghiệp phập phù qua từng vụ mùa như trong thời gian qua. Tư duy "cả hai cùng thắng" phải chi phối cách nghĩ của cả doanh nghiệp và người nông dân.

Chuỗi ngành hàng phải được hình thành dựa trên niềm tin của từng đối tác trong chuỗi đó. Niềm tin chỉ có được khi thông tin thị trường đầy đủ, minh bạch, không bị méo mó vì những lý do lợi ích cục bộ.

"Vai trò dẫn dắt thị trường của doanh nghiệp là điều kiện cần và điều kiện đủ là người sản xuất phải được chia sẻ đầy đủ thông tin đó", ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng đề nghị các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, nhất là 2 đơn vị chủ lực là Vinafood 1 và Vinafood 2 cùng ngồi lại với các địa phương có diện tích sản xuất lúa trọng điểm để cùng hoạch định tầm nhìn chiến lược dài hạn. Các doanh nghiệp cần đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Dẫu biết rằng thị trường luôn không bằng phẳng, dẫu biết rằng doanh nghiệp cũng kinh doanh vì lợi nhuận, nhưng hơn mười triệu nông dân trồng lúa ĐBSCL mong sao bớt đi sự phập phù, thấp thỏm qua từng mùa vụ.

Còn ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND Trà Vinh cũng kiến nghị các Bộ, ngành hỗ trợ thu mua lúa gạo đến tận tay hợp tác xã, người nông dân. Bởi trên địa bàn tỉnh có rất ít doanh nghiệp thu mua lúa gạo, việc thu mua chủ yếu thông qua Trung ương chứ không đến tận tay người nông dân.

Để cứu ngành lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An cho rằng cần phải đẩy mạnh Mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên vấn đề hiện nay đang vướng phải chính là tiền.

“Mô hình cụ thể đã có rồi nhưng phải thực hiện mô hình đảm bảo quản lý được chất lượng. Nông dân thích vào mô hình để doanh nghiệp bao tiêu và doanh nghiệp vẫn thích mua nhưng vướng mắc lớn nhất ở đây là thiếu tiền vốn để thực hiện mô hình. Ngân hàng cho vay xuất khẩu cũng rất nhiều rồi và ngân hàng cần thay đổi tư duy, cho vay từ khâu sản xuất, để thực hiện mô hình.

Theo Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Vinafood 1, giá gạo Việt Nam giảm thời điểm hiện nay là do lệch pha giá cung cầu, trong khi sản lượng thu hoạch tăng, đầu ra khó khăn.

"Hiện nay các doanh nghiệp lớn họ có tư tưởng đang ngóng chờ giá xuống nữa mới mua. Tuần trước Chính phủ có họp bàn giải pháp dự trữ giá lúa nên giá đã có lên chút ít. Chúng tôi cũng đã nhận được các đơn hàng nước ngoài, các doanh nghiệp bắt đầu quay lại. Khó khăn của chúng ta là không có hoặc có ít đầu ra, thứ hai là tiền. Mặt hàng lúa gạo không hấp dẫn như các mặt hàng khác. Mặt hàng lúa gạo vay kèm theo điều kiện tín dụng tương đối chặt", bà Tâm chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trước đó 19-2, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cuộc họp quan trọng bàn về các giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó trước mắt giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 với lượng 200 nghìn tấn gạo và 80 nghìn tấn thóc. Đồng thời,  một số doanh nghiệp Trung Quốc đã trao đổi, thống nhất với các đối tác của Việt Nam về nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam (Biên bản ghi nhớ đã được ký kết  giữa Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và Thung lũng Thực phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao quốc gia Sơn Đông - Trung Quốc (FVC).

Hai bên sẽ thực hiện ngay Bản ghi nhớ này trong nửa đầu năm 2019. Những sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp góp phần làm giảm áp lực thị trường, giá lúa gạo tại ĐBSCL có những diễn biến chuyển động tích cực. Giá lúa tươi tăng 200 đ/kg, giá gạo nguyên liệu tăng 165 đ/kg.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm