Bí thư Đà Nẵng: Hoan nghênh doanh nghiệp tự chủ chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong nước sáng 24-9 tại Đà Nẵng đã ghi nhận rất nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giãn cách xã hội vì dịch COVID-19.

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong nước được Đà Nẵng tổ chức sáng 24-9. Ảnh: BTC

Khó khăn trong đi lại, nợ nần tăng cao

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng, cho hay DN taxi tại TP đang điêu đứng. Phương tiện nằm bãi lâu ngày dẫn đến hư hỏng, mất rất nhiều tiền để sửa chữa, thậm chí TP cho mở lại thì không có tiền để sửa.

Trong khi đó, các khoản nợ thuế năm 2020, bảo hiểm, lãi ngân hàng chưa trả được do không còn nguồn tiền.

Hiệp hội taxi Đà Nẵng kiến nghị giảm ít nhất 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN năm 2021, giảm lãi suất vay từ 2% - 3% cho tất cả các khoản vay. Cùng với đó là những kiến nghị liên quan việc miễn chi phí kiểm định, bảo hiểm trách nhiệm dân sự… đối với taxi năm 2021.

Ông Hiền cũng than phiền về việc thủ tục xin phép ra vào TP rất khó vì không thuộc trường hợp đặc biệt, trong khi các DN còn phải hoạt động ở các tỉnh lân cận.

Đại diện Hội DN quận Hải Châu cho hay các DN ngành xây dựng rất khó khăn khi xin giấy đi đường.

“Có trường hợp gửi hồ sơ về phường bị từ chối, điện thoại rất nhiều lần thì nói về phường nơi đăng ký trụ sở. Sau đó DN được hướng dẫn lòng vòng lên quận, sở… gần 20 ngày chưa xin được giấy đi đường. Câu trả lời là không đủ thẩm quyền để cấp” – vị này nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay lãnh đạo TP đã thấy bất cập trong văn bản hướng dẫn của ngành y tế và đã chỉ đạo khắc phục, tiếp tục tháo dỡ cho DN, người dân trong việc ra vào TP.

“TP chỉ là một vế, còn lại phụ thuộc vào địa phương nơi đến/đi. Quan điểm của TP là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân ra khỏi TP, quan tâm hơn với người vào TP để kiểm soát” – ông Quảng nói và cho hay thời gian qua đã phát hiện hơn 10 trường hợp lái xe vào TP mắc COVID-19.

Các doanh nghiệp muốn được chủ động trong phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TẤN VIỆT

DN tự chủ chống dịch được không?

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến của DN cho rằng nên để họ tự chủ trong phòng chống dịch trên cơ sở hướng dẫn của ngành y tế về xét nghiệm, cách ly, phong tỏa…

Bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng cho hay ngành y tế cơ bản thống nhất để các DN chủ động phòng chống dịch và xét nghiệm nhưng phải có giám sát của ngành y tế.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, DN phải có phương án cụ thể trong việc phòng ngừa, xử lý các tình huống xảy ra khi có F0, Sở Y tế sẽ tập huấn cho các DN.

“TP luôn hoan nghênh việc DN chủ động phòng chống dịch, nhưng nếu như có F0 thì riêng DN không thể làm được, phải có sự hỗ trợ, thậm chí có sự chỉ đạo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và chính quyền mới làm được” – ông Quảng nói.

Ông Quảng cho hay, chủ động chống dịch không phải phương án trên giấy mà phải trên thực tế và phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Cụ thể như tất cả công nhân ra vào phải sử dụng QRCode thì công tác truy vết, kiểm soát mới đạt được.

“DN nói thế thôi chứ khi hỏi đến danh sách người lao động rằng ca F0 đó ở đâu thì không biết, đấy là điển hình. DN phải tạo cho người lao động thói quen về phòng chống dịch. Không có thói quen ứng xử với dịch, không kiên trì 5K thì bao nhiêu phương án, chủ trương, chính sách đều không có ý nghĩa gì hết” – ông Quảng nhấn mạnh.

Bí thư Đà Nẵng thông tin, TP cố gắng phấn đấu để mỗi người dân đều có một QRCode khi quét sẽ hiện đầy đủ thông tin cá nhân, số mũi vaccine, xét nghiệm… thay cho tất cả giấy đi đường trước đây.

“Tức là hướng đến việc người dân đi đâu cũng phải có ứng dụng trên điện thoại để quét QRCode giống như thẻ xanh” – ông Quảng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm