Bị phản đối, vẫn quyết tăng thuê xăng lên 8000 đồng/lít

Thuế môi trường tăng liên tục

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo lần hai về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế BVMT. So với lần trước, dự thảo lần này không có nhiều thay đổi, cơ bản Bộ Tài chính vẫn giữa nguyên đề xuất tăng khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu. Ngoài ra, trong dự thảo Tờ trình, Bộ Tài chính đã cập nhật thêm các số liệu về thu chi liên quan đến thuế BVMT.

Theo dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tăng từ 3.000 đồng đến 8.000 đồng/lít cao hơn khung thuế từ 1.000 đồng đến 4.000 đồng/lít như hiện nay. Dự kiến Dự thảo Luật này sẽ được trình ra Quốc hội khóa XIV kì họp thứ 4 vào tháng 11 năm nay.

Theo Bộ Tài chính, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016 (tổng thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 là 105.985 tỉ đồng. Trong đó năm 2012 là 11.160 tỉ đồng; năm 2013 là 11.512 tỉ đồng; năm 2014 là 11.970 tỉ đồng; năm 2015 là 27.020 tỉ đồng; năm 2016 khoảng 44.323 tỉ đồng. Riêng năm 2015 và 2016, số thuế tăng lên 125,8%  là do từ tháng 5-2015 tăng thuế  BVMT đối với xăng dầu theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tính ra, số thu từ thuế BVMT chiếm tỉ trọng khoảng 1,36% - 4,27% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) và khoảng 0,34% - 0,97% trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm.

Cách tính thuế BVMT xăng dầu theo số tuyệt đối đang có lợi cho Bộ Tài chính. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong khi đó, tổng số chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012 - 2016 là khoảng 131.857 tỉ đồng.

Bộ Tài chính lý giải, khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và hoạt động định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định,...

Theo cơ quan điều hành NSNN, Luật NSNN năm 2015 quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Do đó, kinh phí NSNN bố trí cho các nhiệm vụ BVMT có thể bằng hoặc thấp hơn so với số thu thuế BVMT,…

So sánh thiếu thuyết phục

Bộ Tài chính cũng nhắc lại quan điểm, việc phải điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu để phù hợp trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo cam kết quốc tế; và giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và Châu Á nói chung.

Cụ thể, theo  bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 8-5-2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 170 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao, nghĩa là có 126 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 60, Campuchia đứng thứ 61, Thái Lan đứng thứ 82, Lào đứng thứ 93). Với mức giá bán lẻ xăng Ron92 của Việt Nam, cập nhật đến ngày 8-5 là 17.580 đồng/lít; thấp hơn Lào là 4.456 đồng/lít, Campuchia là 3.768 đồng/lít, Singapore là 16.528 đồng/lít, Philippines là 3.613 đồng/lít, Hồng Kông là 27.231 đồng/lít.

Tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, mức thuế nhập khẩu xăng dầu cao nhất có thời điểm lên đến 35% và hiện nay thuế BVMT 3.000 đồng/lít (chiếm gần 33%, gần bằng với mức thuế nhập khẩu thời điểm cao nhất). Hiện nay mức thuế nhập khẩu xăng dầu đang dao động khoảng hơn 10%, điều này có nghĩa mức thuế BVMT đã vượt quá xa so với tỉ lệ thuế nhập khẩu.

“Nếu chúng ta tiến tới khung thuế cao nhất 8.000 đồng/lít , trong khi giá nhập khẩu về Việt Nam khoảng hơn 9.000 đồng, thì mức thuế BVMT chiếm gần 80%; đây là điều không hợp lý”- Ông Long nói.

Một điều được ông Long lưu ý là thuế BVMT hiện nay đang được tính bằng số tuyệt đối sẽ có lợi cho Bộ Tài chính, vì giá xăng dầu thế giới lên hay xuống  không ảnh hưởng đến số tuyệt đối đó.

"Khi giá xăng xuống thấp, ngời tiêu dùng vẫn phải gánh khoản thuế cố định đó và không công bằng với người dân"- Ông Long phân tích.

Bộ Tài chính cho rằng, tăng thuế vì giá xăng Việt Nam đang thấp hơn các nước có chung biên giới nhưng ông Long đánh giá sự so sánh này không thuyết phục và cho rằng nếu ta so với các nước khác như Malaysia, Indonesia thì giá xăng dầu ở Việt Nam còn cao hơn rất nhiều.

"Việc Bộ Tài chính đưa ra mức so sánh với các nước chung đường biên giới là chưa thuyết phục và một chiều.Tại cuộc gặp mới đây của Thủ tướng với doanh nghiệp, Chính phủ thừa nhận thực tế thuế phí ở VN vẫn còn cao. Tôi lấy ví dụ, thuế GTGT ở Thái Lan chỉ 7% nhưng ở VN lại 10%”- Ông Long dẫn chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm