Bầu Đức trồng rừng, làm điện sinh khối

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ra nghị quyết góp vốn thành lập công ty con tại tỉnh Kon Tum.
Theo đó, công ty con này của HAGL sẽ tập trung vào 8 mảng kinh doanh liên quan đến trồng rừng; sản xuất, truyền tải và phân phối điện; khai thác và sản xuất gỗ.
Về ngành điện, HAGL nhấn mạnh chỉ sản xuất điện sinh khối. Thực tế, bầu Đức là người rất có kinh nghiệm làm điện, vì ông đã từng sở hữu nhiều nhà máy thuỷ điện. Sau đó vì cần vốn cho mảng kinh doanh nông nghiệp nên đã thoái vốn thu lãi khá lớn.
Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), điện sinh khối là việc sử dụng sinh khối để sản xuất điện năng. Đây là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng không nhỏ nên được nhiều nước quan tâm đầu tư.
Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác; hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp gồm rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ, giấy vụn, và metan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm.
Trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ 4, chiếm khoảng 14 - 15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới.
Mỹ là nước sản xuất điện sinh khối lớn nhất thế giới, với hơn 350 nhà máy điện sinh học, sản xuất trên 7.500 MW điện mỗi năm.
Tại Việt Nam, đã có nhiều nhà máy điện sinh khối như nhà máy điện sinh học Biomass tại Phú Thọ với sản lượng điện là 331,5 triệu kWh/năm, hay nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (TP Cần Thơ) do Công ty cổ phần nhiệt điện Đình Hải đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm