Bất thường giá vàng tại Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng gần 10%, tương đương tăng khoảng 5 triệu đồng một lượng. Ngược lại, trong cùng thời gian trên, giá vàng thế giới lại giảm 4-5 triệu đồng một lượng.

Chính diễn biến trái chiều này khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng cách xa nhau. Hiện giá vàng SJC bán ra dao động quanh mức khoảng 61,6 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới 11-12 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch kỷ lục từ trước đến nay.

Giá vàng SJC cách ly với thế giới

Bà Kim Oanh, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết trước đây bà thường mua vàng để tích trữ, khi cần tiền chi tiêu vào những việc lớn trong gia đình thì mới bán ra. Nhưng hiện nay, bà không dám mua vì giá vàng trong nước quá cao so với giá thế giới. “Nếu so với giá thế giới, cứ mua vào một lượng vàng SJC, tôi lỗ ngay hơn 11 triệu đồng” - bà Oanh tính toán.

Thời điểm này, giá vàng SJC cao hơn 11-12 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.  Đây là mức chênh lệch kỷ lục. Ảnh: TL

Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một tiệm vàng ở quận 9, TP.HCM, cho biết: Nhiều khách hàng bảo họ kiên trì chờ giá vàng trong nước tiệm cận với thế giới rồi mới mua nhưng càng chờ thì càng thấy khoảng cách không thu hẹp mà cứ rộng thêm. Trước đây, giá vàng trong nước thường chỉ cao hơn thế giới 1-2 triệu đồng, đến đầu năm nay cao hơn khoảng 7 triệu đã thấy “khủng khiếp”. Vậy mà giờ đây, mức chênh lệch lên đến 11-12 triệu đồng/lượng.

“Chính vì vàng trong nước quá đắt đỏ nên sức mua èo uột, thị trường trầm lắng” - bà Thanh nói.

Lý giải về khoảng cách chênh lệch bất thường giữa giá vàng trong nước và thế giới, ông Tô Thanh Hiệp, Tổng giám đốc SBJ, phân tích: Nguồn cung vàng SJC khan hiếm là nguyên nhân chính dẫn đến mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức rất cao.

Nói cách khác, chuyện giá vàng SJC tăng cao so với giá vàng thế giới là do cung - cầu trên thị trường không cân bằng. “Cứ khi nào lượng mua vào nhiều hơn bán ra thì giá vàng SJC lại tăng mạnh so với thế giới và ngược lại” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng bao gồm cả vàng nguyên liệu. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, cơ quan này không nhập thêm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC. Trong khi nhu cầu mua vàng SJC của người dân vẫn tồn tại.

“Khi lượng cung vàng miếng SJC ra thị trường ở mức rất thấp mà nhu cầu lại tăng thì chuyện kéo giá vàng SJC về sát với giá vàng thế giới là điều khó có thể xảy ra. Chỉ khi nào cung và cầu vàng miếng SJC cân bằng thì giá vàng miếng mới trở về đúng giá trị thực của nó, tức là ngang bằng với giá vàng thế giới” - ông Khánh nhận định.

Người mua thiệt đủ đường

Theo Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất. NHNN được Chính phủ giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Do SJC là thương hiệu chiếm tới 95% thị trường vàng miếng nên cơ quan này đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức SJC là thương hiệu “độc quyền”.

Từ những lý do trên khiến giá vàng trong nước, nhất là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới khiến người mua chịu thiệt thòi. Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, cho rằng người dân hoặc nhà đầu tư không có kinh nghiệm mà “lướt sóng vàng” thì gần như nắm chắc thua lỗ trong bối cảnh giá vàng trong nước quá cao so với thế giới như hiện nay. Hơn nữa, để rút ngắn được khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới là chuyện không tưởng khi mà hai thị trường này chưa liên thông.

Vì vậy đây không phải là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư, người dân chọn vàng là kênh đầu tư với số lượng lớn. Nói cách khác nhà đầu tư nếu mua vàng thời điểm này sẽ khó sinh lời, thậm chí còn gặp nhiều rủi ro. “Nếu có nhu cầu cấp bách cần mua vàng thì người dân chỉ nên mua ít, giá trị nhỏ chứ không nên đầu tư lớn. Đặc biệt, với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu nhỏ lẻ chỉ nên nắm vàng trong trung, dài hạn và chỉ dùng khoảng 20% vốn tiết kiệm để mua vàng. Bởi quy tắc chung của đầu tư là không dồn hết trứng vào một rổ” - ông Vũ khuyến nghị.

Đồng quan điểm, anh Tuấn Minh, một nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp, cho rằng có hiện tượng đầu cơ trên thị trường vàng, khi một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên rất cao khi họ thấy nguồn cung không đủ. “Một số doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao hoặc đẩy chênh lệch giữa giá mua và bán lên cao nhằm đẩy rủi ro sang người tiêu dùng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp hạn chế hiện tượng đầu cơ, làm giá. Đặc biệt, Việt Nam đã hội nhập với thế giới nên Nhà nước cần có giải pháp để tạo điều kiện cho giá vàng trong nước liên thông, tiệm cận với quốc tế, nhằm giảm bớt thiệt thòi cho người dân” - anh Tuấn kiến nghị.

Dự báo trái chiều về giá vàng

Chuyên gia ngành vàng Huỳnh Trung Khánh cho biết mặc dù giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay đi xuống nhưng vẫn duy trì quanh vùng giá 1.800 USD/ounce và đây là mức giá khá cao đối với kim loại quý. Trong tương lai, có dư địa để giá vàng thế giới đi lên.

Đỉnh tiếp theo của giá vàng thế giới có thể đạt được trong năm 2022 là 2.000 USD/ounce, tương đương khoảng 55 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân do các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật, Trung Quốc… đang đứng trước nguy cơ lạm phát trong năm 2022.

“Đã từ rất lâu, vàng vẫn là hầm trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư khi lạm phát có dấu hiệu tăng, tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp và lãi suất USD vẫn được Mỹ duy trì mức thấp” - vị chuyên gia phân tích.

Tuy vậy, một số ngân hàng quốc tế lại dự báo, nếu biến thể Omicron không tác động nhiều đến nền kinh tế toàn cầu thì giá vàng có khả năng giảm mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm