Bất nhất cách thu thuế

Sáng 21-8, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM tổ chức cho doanh nghiệp (DN) Việt kiều đối thoại với Cục Thuế TP và Cục Hải quan TP. Các DN than phiền rất nhiều về cách hành xử tùy tiện trong thu thuế.

Nơi thu 5%, nơi thu 10%

Bà Nguyễn Bùi Bạch Hà, Giám đốc Công ty May mặc Duy Phát, kể: Công ty tôi sản xuất găng tay len có tráng nhựa. Cơ quan thuế khi thì thu thuế giá trị gia tăng 5%, khi thì 10%. Bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế TP, trả lời rằng mỗi mặt hàng chỉ có một mức thuế mà thôi, hoặc 5% hoặc 10%, không áp hai mức thuế được. Bà Hà nói ngay: “Có đấy ạ, Chi cục Thuế quận Gò Vấp bắt đóng 10%. Chi cục Thuế quận Tân Bình áp 5%”.

Trả lời phản ánh của DN, bà Nga khẳng định: “Có một chi cục sai. Đề nghị DN cung cấp cho chúng tôi hồ sơ cụ thể để chúng tôi xác định lại thuế và chấn chỉnh nội bộ”.

Giải đáp thắc mắc về thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HTD

Không riêng ngành thuế mà ngành hải quan cũng áp thuế nhiều kiểu. Bà Hà phản ánh công ty nhập kim loại màu, có văn bản hướng dẫn nếu thành phần cacbon dưới 6,5% thì thuế nhập khẩu là 5%, cacbon trên 6,5% thì thuế là 10%. DN đưa đi giám định ở ba đơn vị giám định, có một nơi kết luận dưới 6,5%, có hai nơi kết luận trên 6,5% và hải quan đã áp thuế cao nhất là 10%. “Vấn đề khiến tôi bức xúc là một người bạn của tôi cũng  nhập hàng y trang tôi nhập nhưng bạn tôi nộp thuế chỉ 5%! Khi tôi gọi số đường dây nóng của hải quan thì hầu như không có ai nhấc máy, khi nhấc máy thì bảo rằng đã nghỉ làm rồi, kêu tôi gọi cho người khác. Tôi thấy thật vô trách nhiệm! Nếu đã nghỉ làm sao còn để số điện thoại ở đường dây nóng!” - bà Hà nghẹn giọng.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó phòng Phòng Thuế xuất nhập khẩu của Cục Hải quan TP, cũng khẳng định: “Cùng một mặt hàng nhập khẩu thì chỉ áp một mức thuế, DN mang hồ sơ lên Cục ngay chiều 21-8 để giải quyết”.

Thay quy định liên tục

Bà Lương Lệ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty United Vision, phản ánh có những quy định áp dụng vào những thời điểm rất “khó đỡ”! Công ty đặt in hóa đơn, đến khi công ty in đã in xong, DN nhận hóa đơn và gửi thông báo cho cơ quan thuế thì cơ quan thuế trả lời không được dùng hóa đơn này. Viện dẫn là một công văn hướng dẫn sát ngày. Như vậy sẽ có rất nhiều DN vừa in xong hóa đơn sẽ phải bỏ, tốn kém chi phí và công sức.

Bà Lệ Nga cho biết sẽ ghi nhận trường hợp này, đúng là có bất lợi cho DN khi phải bỏ chi phí in ấn, Cục Thuế sẽ báo cáo Bộ Tài chính xem xét, xử lý thêm. Bà cũng chia sẻ với DN: “Văn bản hướng dẫn được ban hành quá nhiều trong thời gian qua, áp dụng quá gấp, quá cận kề nên gây khó khăn cho DN”.

Nhiều DN khác góp ý chỉnh sửa các chính sách xuất nhập khẩu để tạo thuận lợi cho Việt kiều. Một DN trong ngành in ấn, bao bì cho biết chính sách nhập khẩu máy móc thiết bị của ta cấm nhập máy in đã sử dụng quá năm năm. Tuy nhiên, chúng ta không cân nhắc có những máy công nghệ mới, máy in offset ở Nhật tuy đã dùng 5-6 năm rồi nhưng máy vẫn còn rất tốt, nhập máy đó vẫn còn hơn nhập máy mới 100% nhưng công nghệ cũ. Đặc biệt, nếu không cho nhập thì rất nhiều DN không đủ tiền để nhập máy mới.

Ngược với việc hạn chế nhập máy cũ thì trong việc nhập xe ô tô của Việt kiều hồi hương, quy định hiện hành chỉ cho nhập xe cũ. Một Việt kiều than: “Đã cho mỗi Việt kiều nhập về một xe miễn thuế nhập khẩu thì coi như đó là “suất nhập” của họ, càng nên khuyến khích họ nhập xe mới về nước để dùng chứ sao lại ép phải là xe cũ!”.

QUỲNH NHƯ

Còn một số cán bộ thuế chưa làm hết trách nhiệm, gây khó khăn, gây phiền hà cho DN. Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ rà soát, chấn chỉnh trong thời gian tới.

TRẦN THỊ LỆ NGA, Cục phó Cục Thuế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm