Bảo vệ người tiêu dùng: luật còn thiếu

Nguyễn Quốc Sáu, cư xá Lữ Gia, Q.11: Trung Quốc vừa đóng cửa hàng loạt nhà máy, công ty để cảnh cáo cho việc sản xuất hàng hoá kém chất lượng, dùng các chất có hại bị cấm, khiến cho sản phẩm Trung Quốc bị tẩy chay trên toàn thế giới. Uy tín của hàng Việt Nam cũng bị tổn thương vì dư lượng kháng sinh trong thuỷ hải sản xuất khẩu, nước tương chứa 3-MCPD bán cho người tiêu dùng nội địa... Nhưng cho đến nay vì sao vẫn chưa có công ty nào bị buộc phải đóng cửa?

Các yếu tố pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hai văn bản cơ bản để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là: Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do UBTVQH ban hành số 13/1999/PL- UBTVQH và Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ 1.7.2005.

Quyền lợi của người tiêu dùng còn được bảo vệ bởi nhiều quy định trong các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật tiêu chuẩn về quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Chất lượng sản phẩm, Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm...

Để Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện hiệu quả với mục đích phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước giải quyết; tham vấn, bảo đảm bênh vực lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng còn có hệ thống hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm: hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ở cấp trung ương và 26 hội ở các tỉnh và thành phố.

Khi bị thiệt hại, người tiêu dùng có quyền gửi khiếu nại đến nhà sản xuất, kinh doanh, văn phòng khiếu nại, hội bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra toà án có thẩm quyền. Trong đó, cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính: Bộ Thương mại và Sở Thương mại hoặc Sở Thương mại & Du lịch (tuỳ từng địa phương sở thương mại tách rời hay đứng chung với du lịch)

Thiếu luật bảo vệ

Hàng loạt các sự kiện xâm phạm nặng nề đến quyền lợi người tiêu dùng như xăng dầu, điện nước, điện thoại, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhưng chưa có trường hợp nào nhà sản xuất bồi thường và cũng chưa có trường hợp nào người tiêu dùng lên tiếng khiếu kiện tập thể được chấp nhận.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn: Vấn đề hiện nay là thiếu luật. Ở các nước phát triển đều có đạo luật bảo vệ người tiêu dùng.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại): Việt Nam có cả 3 loại chế tài. Chế tài dân sự, các chế tài về hành chính và chế tài hình sự. Nhưng thực tế thì người dân không có cơ chế hữu hiệu để sử dụng quyền khiếu kiện của mình đến các cơ quan hành chính, tư pháp để áp dụng các chế tài đó.

Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nguyên là Hội Khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hoá đo lường chất lượng, được thành lập năm 1988. Năm 1990, hội đã đưa nội dung bảo vệ người tiêu dùng vào tôn chỉ mục đích của hội và đổi tên thành Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Thời báo KTSG viết: hoạt động của hội còn mang tính hình thức vì ban lãnh đạo thường là cán bộ ngành đo lường, kiểm nghiệm đã về hưu, hội không liên kết với các tổ chức quần chúng khác để mở rộng sự giám sát, việc xử lý các khiếu nại thường chỉ bằng cách thương lượng đòi bồi thường…

Với các cách hoạt động chưa có luật pháp bảo vệ như hiện nay, vị trí của người tiêu dùng - dù có được nhà kinh doanh gọi là thượng đế, vẫn liên tục bị thiệt hại và đến khi người tiêu dùng thực hiện quyền khiếu nại, quyền đòi bồi thường của mình thì không biết “chạy đâu cho đúng cửa”. Do vậy, cần phải có luật bảo vệ người tiêu dùng.

8 quyền của người tiêu dùng:

- Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản

- Quyền được an toàn

- Quyền được cung cấp thông tin

- Quyền được lựa chọn

- Quyền được lắng nghe hay được đại diện

- Quyền được bồi thường

- Quyền được giáo dục về tiêu dùng

- Quyền được sống trong một môi trường trong sạch và bền vững

Quỳnh Vy - Thiên Ngân - Dương Đào <EM>( Theo SGTT)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.