Bảo đảm chất lượng khẩu trang Việt trong xuất khẩu

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển mới đây cho biết đã nhận được thông tin từ một công ty Đan Mạch về việc một số công ty Việt Nam dùng CE (giấy chứng nhận theo yêu cầu của thị trường EU) được cấp bởi các tổ chức không được EU công nhận để xuất khẩu trang thiết bị, vật tư y tế vào EU.

Có dấu hiệu không kiểm soát được chất lượng

Thời gian qua, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ cá nhân phòng dịch có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Đây là một mặt hàng giúp nhiều đơn vị kinh doanh có thể đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 gây nhiều thiệt hại.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, cả nước có hơn 150 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế. Tương ứng, số khẩu trang y tế đã được xuất khẩu lên tới 181,54 triệu chiếc. Trước đó, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, cả nước mới xuất khẩu được hơn 139 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại.

Có thể thấy, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế vào cuối tháng 4 thì ngay trong tháng 5, số lượng khẩu trang y tế xuất khẩu tăng mạnh, chiếm hơn một nửa kim ngạch từ đầu năm.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, trước đây các DN Việt phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay, một số DN, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương lo ngại nhu cầu tăng đột biến khiến cho thị trường xuất khẩu các mặt hàng trên tăng trưởng nóng và có dấu hiệu không kiểm soát được về mặt chất lượng. Điều này tạo nguy cơ ảnh hưởng đến hình ảnh hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, nhấn mạnh: “Vừa qua, số công ty tham gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ phòng dịch tăng lên rất nhanh. Đặc biệt, theo phản ánh của các đơn vị chứng nhận FDA (giấy chứng nhận theo yêu cầu của thị trường Mỹ) và CE thì quy trình để xin các giấy chứng nhận này mất từ vài tuần cho đến vài tháng. Trong thời gian ngắn này, nhiều DN xin được các giấy chứng nhận đó thì thấy rằng chưa phù hợp”.

Ông Hải cho biết thêm, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các thị trường như Mỹ, EU... thì họ có thể nới lỏng các điều kiện nhập khẩu các mặt hàng phòng dịch này. Tuy nhiên, khi dịch đã được kiểm soát hơn thì chắc chắn những thị trường này sẽ tăng cường kiểm soát trở lại. “Nếu hàng hóa của Việt Nam không đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn mà họ đưa ra thì khả năng hàng hóa của DN Việt Nam bị chặn là rất cao” - ông Hải cảnh báo.

Khả năng sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Ảnh: CTV

Mất bốn tháng mới xin được chứng nhận

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công ty TNHH Vật tư y tế Sen Việt (Công ty Sen Việt) - chuyên sản xuất khẩu trang y tế xuất khẩu đánh giá các khuyến cáo của Bộ Công Thương là hoàn toàn có cơ sở và rất cần thiết. Bởi thực tế cho thấy phải mất tới khoảng bốn tháng mới được cấp các giấy chứng nhận FDA, CE.

“Theo tôi biết, nhiều công ty đang làm theo kiểu đưa lên danh mục là đã đăng ký chứng nhận CE, FDA. Song việc đã đăng ký khác hoàn toàn với việc đã công nhận. Sau khi xác nhận đăng ký, họ sẽ cho một tờ giấy xác nhận chất lượng tạm thời, còn để áp dụng đưa vào sử dụng lại là câu chuyện khác” - đại diện Công ty Sen Việt tiết lộ.

Thông tin thêm, đại diện công ty này cho biết có tình trạng một số đơn vị sử dụng giấy chứng nhận được phát hành bởi đơn vị chứng nhận không chuyên nghiệp, không đủ thẩm quyền hoặc không được ủy quyền cấp xác nhận cho các sản phẩm liên quan. Với loại giấy chứng nhận này, khi đưa hàng đi, DN có thể lách được nhưng thực tế để đưa vào bán tại thị trường nước ngoài một cách chính thống thì sẽ không được chấp thuận.

Trước tình hình trên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải khuyến cáo các công ty xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ cá nhân cần tìm hiểu kỹ về các đơn vị có chức năng tư vấn, thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp, đặc biệt khi DN muốn cấp chứng nhận CE để xuất khẩu vào thị trường EU và chứng nhận FDA để xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

“Thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các DN tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu” - đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Theo tìm hiểu, số lượng các đơn vị có chức năng thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận các chứng nhận xuất khẩu vào EU, Mỹ tại Việt Nam không nhiều, chỉ trên dưới 10 đơn vị. Vì các tổ chức này phải có nguồn gốc từ EU hoặc từ Mỹ, lập các văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Chặn nhập khẩu dây chuyền lạc hậu sản xuất khẩu trang

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã ký công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, TP yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra việc nhập khẩu các dây chuyền, thiết bị cũ về để sản xuất khẩu trang. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm.

Lý do là thời gian gần đây có hiện tượng các tổ chức, cá nhân nhập khẩu dây chuyền để sản xuất khẩu trang trong bối cảnh nhu cầu khẩu trang tăng cao do dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ nhập khẩu các dây chuyền cũ, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật.

“Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu, vận chuyển tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các tuyến đường giáp ranh khu vực biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất khẩu trang” - công văn nhấn mạnh.

Lo khẩu trang y tế không đạt

Tôi đọc được một bài báo nói rằng trên thị trường đang bán khẩu trang y tế với giá 50.000 đồng/hộp. Thực tế đây là khẩu trang rất “đểu”. Vì trong ngành sản xuất nên tôi biết, chi phí sản xuất một cái khẩu trang y tế gần 4.000 đồng/cái.

Đấy là chi phí sản xuất nghiêm túc và đúng chất của một khẩu trang y tế. Vì sản xuất khẩu trang y tế rất khó, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, quy trình hoàn toàn khép kín và tính đồng bộ hóa cao.

Nhưng thị trường khẩu trang trong nước đang bị lẫn lộn, người tiêu dùng không phân biệt được đâu là khẩu trang y tế chuẩn và không chuẩn.

Đại diện Công ty TNHH Vật tư y tế Sen Việt 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.