Báo chí trước nguy cơ bị phạt nặng, thất thu vì Nghị định 38

Gần đây, một số cơ quan báo chí bày tỏ sự lo ngại trước các quy định ngặt nghèo về tiêu chí quảng cáo và mức xử phạt đối với quảng cáo trên báo chí trong Nghị định 38/2021, có hiệu lực từ ngày 1-6-2021 tới đây.

Những điều này, theo các chuyên gia, sẽ cản trở phát triển kinh tế báo chí vốn đang trong thời kỳ khó khăn.

Không phù hợp thực tiễn, cản trở thu hút quảng cáo

Các chuyên gia cho rằng có nhiều quy định tại Nghị định 38/2021 vừa không phù hợp thực tiễn, vừa cản trở báo chí thu hút quảng cáo. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 38 quy định thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định không được vượt quá 1,5 giây.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies), cho rằng: Quy định này có thể hợp lý với bạn đọc nhưng không hợp lý với nhà quảng cáo. Nếu áp dụng quy định này thì các nhà quảng cáo sẽ chuyển sang nền tảng khác, như YouTube bumper ad với quy định 5 giây và với các nền tảng khác, hoặc game không bị các quy định pháp lý Việt Nam khống chế. “Người thiệt là báo chí” - ông Vinh khẳng định.

Ông Vinh cũng cho rằng trên thực tế, người dùng đã được trao quyền tối thượng, đó là từ chối tiếp nhận quảng cáo. Họ có thể cài ad block (lọc nội dung và chặn quảng cáo) ngăn chặn quảng cáo, từ chối xem các kênh quá nhiều quảng cáo mà quá ít giá trị. Họ cũng có quyền trả tiền để mua các kênh thông tin cao cấp không có quảng cáo, thậm chí có thể tẩy chay các kênh truyền thông không tôn trọng quyền lợi của độc giả.

“Vì thế, các nhà làm luật nên quan tâm đến việc ngăn chặn các nội dung quảng cáo không phù hợp, ví dụ quảng cáo nội dung dành cho người lớn với đối tượng vị thành niên, thay vì làm thay chức năng quản lý hình thức quảng cáo” - ông Vinh khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Mục tiêu của quy định này có lẽ hướng đến việc bảo vệ người dùng do lo sợ quá nhiều thời gian được dành cho quảng cáo. Tuy nhiên, với sự thay đổi của công nghệ và xu thế, các quy định đó có thể lại cản trở sự phát triển của kinh tế báo chí.

“Các giới hạn như vậy có thể làm giảm tính hấp dẫn của phương tiện báo chí so với các loại phương tiện truyền thông khác. Chẳng hạn, so với giới hạn thời lượng tắt quảng cáo 1,5 giây, các nền tảng khác thường ở quanh mức 5 giây. Một số quảng cáo ngắn còn được cho phép phát mà không có nút tắt (skip) quảng cáo với tỉ lệ xuất hiện nhất định. Việc này có thể ảnh hưởng đến việc thu hút quảng cáo của cơ quan báo chí” - ông Hùng phân tích.

Mặt khác, các lo ngại cho người dùng có thể không thực sự phù hợp với thời điểm hiện tại. Người dùng có nhiều sự lựa chọn giữa các phương tiện truyền thông khác nhau như các kênh YouTube, các nền tảng truyền hình trực tuyến nước ngoài hoặc các kênh phi chính thống như podcast, Facebook… “Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí còn có các kênh YouTube hay Facebook để truyền tải thông tin đến người dùng” - ông Hùng cho biết.

Quảng cáo trên báo chí, nhất là báo điện tử sẽ bị ảnh hưởng vì Nghị định 38/2021. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khó càng thêm khó

Thị trường quảng cáo trực tuyến hiện nay, theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Lê Quốc Vinh, vào khoảng 630 triệu USD, tức hơn 14.500 tỉ đồng. Tuy vậy, báo chí điện tử tại Việt Nam hiện chỉ thu được khoảng 4.000 tỉ đồng, 10.500 tỉ đồng kia đều rơi vào tay các “ông lớn” nước ngoài như Facebook, Google, YouTube… “Các quy định pháp lý càng khó khăn cho báo chí thì miếng bánh đã bé càng dễ rơi vào tay các ông lớn” - ông Vinh nói.

Trong khi đó, các hình thức và mức độ xử phạt các vi phạm trên báo chí là rất cao so với thực tế khả năng thu của báo chí. Ví dụ, đối với truyền hình và phát thanh, khoản 3 Điều 40 quy định: Phạt tới 50-100 triệu đồng khi quảng cáo quá bốn lần trong mỗi chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình.

“Điều khoản này vừa chặt vừa lỏng. Vì máy móc hạn chế số lần phát TVC quảng cáo nhưng không biết rằng bản thân các format chương trình giải trí đã cho phép các nhà quảng cáo lồng nội dung thương mại trong chương trình rồi” - ông Vinh phân tích.

Hoặc khoản 2 Điều 38 quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài… Theo ông Vinh, nhà quảng cáo đủ thông minh để chọn lựa đầu tư trực tiếp vào đối tượng phù hợp với định vị của mình, họ chọn độc giả.

Vì vậy, nếu không cho các ad network (kết nối giữa người mua quảng cáo và người bán quảng cáo) cài mã vào nội dung thì hầu như báo chí sẽ bị cắt đứt nguồn thu, mặc dù nguồn thu này, tính trên số lượng người xem đã vô cùng thấp (khoảng từ 2.000 đến dưới 20.000 đồng/1.000 người xem).

“Thu nhập từ quảng cáo của báo chí hiện đã rất khó khăn. Nghị định 38/2021 lại càng khiến doanh nghiệp bỏ rơi báo chí, tìm đến các giải pháp khác như Google search, Facebook advertising hoặc các nền tảng khác vốn đang bùng nổ” - ông Vinh cho biết.

Còn theo ông Hùng, có những quy định nếu không “cập nhật” với các quy định khác sẽ được ban hành hoặc các căn cứ ở Luật Quảng cáo thì báo chí sẽ bị phạt oan. Chẳng hạn, Nghị định 38 quy định xử phạt các cơ quan báo chí nếu quảng cáo nền tảng xuyên biên giới mà không thông qua tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam.

“Quy định này thực chất là không phù hợp với Nghị định 181/2013 về trách nhiệm cung cấp thông tin của các chủ thể tham gia quảng cáo xuyên biên giới. Mặt khác, Nghị định 181/2013 đang được dự thảo sửa đổi cũng cho phép người dùng quảng cáo được ký kết trực tiếp với nền tảng quảng cáo xuyên biên giới. Vì vậy, quy định như ở Nghị định 38/2021 có thể dẫn đến xung đột pháp lý nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 181/2013 được ban hành và có hiệu lực” - ông Hùng nhấn mạnh.

Không có nghĩa vụ nhưng có thể bị phạt

Khoản 1 Điều 38 quy định xử phạt các cơ quan báo chí nếu không thông báo, không báo cáo khi có hoạt động quảng cáo xuyên biên giới. Tuy vậy, theo ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế VCCI, nếu chiếu theo Điều 14 Nghị định 181/2013 thì trách nhiệm thông báo thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam thuộc về các nền tảng xuyên biên giới chứ không phải là cơ quan báo chí. Trách nhiệm báo cáo với cơ quan nhà nước cũng được giao cho công ty quảng cáo mà không phải cho cơ quan báo chí theo Nghị định 181/2013.

“Quy định xử phạt như thế có thể gây khó cho các cơ quan báo chí vì không có nghĩa vụ thực hiện nhưng không thực hiện thì băn khoăn liệu có bị xử phạt hay không” - ông Hùng phân tích. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm