Bài 3: Loay hoay với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong hai số báo trước, hôm qua (20-3), tại TP.HCM, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc hội thảo lấy ý kiến liên quan đến vấn đề bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm tránh rủi ro cho doanh nghiệp.

Cũ người nhưng mới ta

Ông Phạm Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết kể từ khi gia nhập WTO, các chính sách trợ cấp xuất khẩu như thưởng thành tích xuất khẩu, trợ cấp thay thế xuất khẩu hay chính sách tín dụng ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi đã không được thực hiện để phù hợp với cam kết. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Dũng, để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình mới, nhất là sau biến động về thị trường tài chính vừa qua thì nhà nước cần có hình thức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết hình thức bảo hiểm này đã khá phổ biến trên thế giới nhưng còn quá mới mẻ ở Việt Nam.

Ông Trịnh Thanh Hoan, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết hiện tại bảo hiểm xuất khẩu chiếm chưa đến 5% thị phần bảo hiểm trong nước, dưới nhiều hình thức hỗ trợ tài chính, hỗ trợ xuất khẩu từ các quỹ.

Theo ông Hoan, lý do mà bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chưa có chỗ đứng trong nước là do Luật Bảo hiểm chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, khác với các hình thức bảo hiểm đã có từ trước thì bảo hiểm tín dụng xuất khẩu có những yêu cầu khắt khe về tài lực, chuyên môn mà các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước chưa đáp ứng được. “Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá thị trường bảo hiểm xuất khẩu về hàng nông sản ở nước ta rất tiềm năng nhưng đến nay thị trường này vẫn đang còn để trống. Trước đây, có một tập đoàn bảo hiểm nước ngoài xin làm bảo hiểm xuất khẩu liên quan đến thị trường này nhưng càng làm càng lỗ nên họ xin rút” - ông Hoan nói.

Ông Hoan cho rằng doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xuất khẩu được lợi là đảm bảo về mặt tài chính khi rủi ro xảy ra mà không có khả năng thanh toán. Cái lợi tiếp theo là doanh nghiệp xuất khẩu có thể thay đổi được tỷ giá khi đồng tiền nhập khẩu thay đổi. Ngoài ra, doanh nghiệp thông qua các công ty, hiệp hội bảo hiểm để tìm hiểu thị trường lẫn năng lực tài chính của mình.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia của các tập đoàn bảo hiểm quốc tế nhận định nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng cao và sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty bảo hiểm liên quan đến lĩnh vực tín dụng. Tuy nhiên, điều mà họ e ngại đối với các nước đang phát triển là ít có thông tin đầy đủ và chính xác về các doanh nghiệp. Ngoài ra, các công cụ giám sát nền kinh tế của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả khi mà độ rủi ro liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngày càng tăng cao.

Phí bảo hiểm tính theo... tổn thất

Vì còn mới mẻ nên nhiều doanh nghiệp quan tâm mức phí phải đóng nếu mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen đưa chi phí bảo hiểm vào giá thành và đây là yếu tố cản trở cho việc phát triển thị trường bảo hiểm này.

Ông Jef Vincent, Trưởng phụ trách khu vực châu Á của Công ty Bảo hiểm Hemmes (Đức), cho biết thông thường các công ty bảo hiểm tính phí 0,1% trên tổng doanh thu của phi vụ. Tuy nhiên trên thực tế, tùy theo quy mô lớn hay nhỏ được ký kết của dịch vụ để công ty bảo hiểm tính phí. Theo ông Jef Vincent, điều quan trọng nhất là công ty bảo hiểm đưa ra giải pháp giảm thiểu rủi ro ít nhất cho khách hàng, tùy theo từng khu vực hay tình hình chính trị của từng nước.

Nghiên cứu loại hình bảo hiểm này ở một số nước, ông Trịnh Thanh Hoan cho rằng phí bảo hiểm được các công ty tính dựa theo nguyên tắc “dự báo tổn thất” mà công ty bảo hiểm phải bồi thường nếu rủi ro xảy ra chứ không dựa vào công ty mua bảo hiểm lớn hay nhỏ.

Xây dựng và tổ chức hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu như thế nào trong điều kiện Việt Nam? Đó là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm quan tâm.

Ông Nguyễn Kim Phú, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, khẳng định nếu rủi ro của bảo hiểm thương mại truyền thống mang tính bất ngờ như thiên tai, nhân tai... thì rủi ro trong bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là rủi ro kinh doanh như hối đoái, mất khả năng thanh toán cùng với rủi ro chính trị. Kinh nghiệm thực tiễn quốc tế cho thấy bảo hiểm tín dụng xuất khẩu luôn chịu sự điều hành trực tiếp của một cơ quan thuộc chính phủ quản lý.

Vì vậy theo ông Phú, dù cho mô hình tổ chức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ở hình thức nào thì sự tham gia của nhà nước là rất đáng kể. Tại hầu hết các thị trường, nhà nước chịu trách nhiệm bảo trợ chính cho các khoản vay tín dụng dài hạn và trung hạn, còn các tổ chức bảo hiểm thì cho các khoản vay ngắn hạn.

Dự báo về thị trường bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Trịnh Thanh Hoan cho biết phát triển hay không còn phụ thuộc vào sự “mở cửa” từ phía nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, Chính phủ đang khuyến khích xuất khẩu và sau những biến động mạnh về chính sách tiền tệ tác động tới xuất khẩu thì đây là dấu hiệu tốt cho thị trường bảo hiểm này phát triển. Theo ông Hoan, Chính phủ nên sớm thành lập công ty bảo hiểm tín dụng để tạo điều kiện cho ngân hàng cũng như doanh nghiệp bảo đảm được về tài chính, không bị rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa.

Trình Thủ tướng các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu

Chiều 20-3, báo cáo hoàn chỉnh về tình hình xuất nhập khẩu và những đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho biết nhiều giải pháp trong báo cáo là các đề xuất cơ bản của các doanh nghiệp và hiệp hội tại hai cuộc họp tuần qua với Bộ Công thương. Cụ thể, Bộ Công thương đề xuất Ngân hàng nhà nước ưu tiên mua ngoại tệ có nguồn gốc xuất khẩu theo tỷ giá quy định cho các doanh nghiệp. Ưu tiên với những hợp đồng xuất khẩu, Ngân hàng nhà nước cần tiếp tục cho vay với lãi suất hợp lý và ổn định để các doanh nghiệp có vốn tiếp tục thực hiện các hợp đồng.

L.THANH

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm