Bài 1: Hàng hoá thông qua cảng tăng chóng mặt

Hàng container thông qua các cảng TPHCM tăng cao trong thời gian gần đây
Hàng container thông qua các cảng TPHCM tăng cao trong thời gian gần đây

Số lượng hàng hoá thông qua cụm cảng TPHCM vài năm qua luôn tăng với tốc độ cao, đạt trên 50 triệu tấn/năm - tức vượt gấp đôi năng lực dự kiến hàng hoá thông qua đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt tại quy hoạch chi tiết năm 2005. Lượng hàng hoá tăng nhanh đến chóng mặt cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho các cảng TPHCM tăng thêm nguy cơ quá tải.

Tăng vượt quy hoạch dự báo đến năm 2020

Theo Quyết định 791/QĐ-TTg ngày 12.8.2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5 (TPHCM- Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu), thì công suất của nhóm cảng biển số 5 đến năm 2010 đạt 53 triệu tấn/năm (không kể hàng lỏng), trong đó của Cụm cảng TPHCM là 26 triệu tấn/năm.

Tiếp đó định hướng đến năm 2020, công suất của cả nhóm cảng số 5 đạt 100 triệu tấn/năm (riêng các cảng thuộc TPHCM đạt 35 triệu tấn/năm). Trên thực tế, mới đến cuối năm 2006, tổng lượng hàng hoá thông qua Cụm cảng TPHCM đã đạt 51,684 triệu tấn/năm (hàng lỏng 8 triệu tấn/năm) - vượt mục tiêu của quy hoạch chi tiết đặt ra đến năm 2020. Những mặt hàng thông qua cảng chiếm tỉ trọng lớn chủ yếu là nông sản, phân bón, máy móc, gỗ xẻ và các sản phẩm từ các KCX-KCN...

Ông Hồ Kim Lân - Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển VN cho biết, số lượng hàng hoá thông qua cảng biển TPHCM đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt hàng container hiện chiếm tỉ lệ 72% của cả nước, tương đương với 3,4 triệu TEU/năm. Dự báo tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 25% thì đến năm 2011, lượng hàng container qua khu vực thành phố lên đến 6 triệu TEU/năm.

Trước tốc độ hàng hoá tăng cao, thành phố đã đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu công suất hệ thống cảng biển trên địa bàn thành phố đến năm 2010 đạt 100 triệu tấn/năm (thay vì 26 triệu tấn như quy hoạch) và đến năm 2020 công suất đạt 200 triệu tấn/năm, nhằm đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hoá qua cảng và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

Sử dụng hết công suất quy hoạch?

Hàng hoá tăng, năng lực đáp ứng của một số cảng hạn chế nên dẫn đến hàng hoá ùn ứ, khiến một số hãng tàu không khỏi bức xúc. Theo Cty TNHH dịch vụ ZIM Integrated Shipping VN, hàng hoá ùn ứ tại các cảng thời gian qua đã kéo theo việc tàu nhận hàng cũng bị chậm, làm ảnh hưởng đến thời gian giao hàng cho các đối tác ở các cảng quốc tế khác, cũng như Cty phải chịu thêm chi phí thuê tàu mỗi ngày hơn chục nghìn USD vì nằm chờ nhận hàng.

Từ thực trạng trên đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn về các cảng thành phố đã sử dụng hết công suất quy hoạch đến năm 2020? Tuy nhiên, một chuyên gia đã từng tham gia lập tư vấn quy hoạch cho rằng, hiện vẫn chưa sử dụng hết công suất quy hoạch của nhóm cảng số 5.

Theo chuyên gia này, nếu làm đúng quy hoạch được duyệt như: Di dời đúng tiến độ, đầu tư xây dựng cảng mới ở Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải... thì các cảng thành phố đã không xảy ùn ứ, bởi khi đó gánh nặng hàng hoá thông qua TPHCM tăng cao được chia bớt cho những cảng mới.

Giải quyết bài toán hàng hoá thông qua cảng TPHCM có xu hướng tăng cao đến năm 2020, ông Trần Quang Phượng - GĐ Sở GTVT TPHCM cho biết thêm, sở đã đề nghị thành phố bố trí lại quy hoạch mặt bằng cảng tổng hợp trên sông Soài Rạp - Hiệp Phước, để đáp ứng mục tiêu tiếp nhận 200 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.

Ông Hồ Kim Lân - Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển VN - cũng nhận định, với các dự án lớn đang triển khai ở Hiệp Phước, cụm cảng thành phố có đủ công suất đáp ứng nhu cầu hàng hoá tăng cao trong thời gian tới. Chỉ có điều, liệu tình trạng ùn ứ ở các cảng có tiếp tục diễn ra như vừa qua không thì chưa ai dám chắc, vì vấn đề còn phụ thuộc vào tiến độ di dời cảng hiện hữu, đầu tư xây dựng cảng mới và tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá có kịp đáp ứng nhu cầu phát triển hay không?

Theo Nhóm PV CQTT ( LĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm