Bắc Giang, Hải Dương cung ứng được bao nhiêu thực phẩm cho Hà Nội và các tỉnh?

Thông tin tại buổi làm việc, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết sản lượng thịt hơi trung bình hàng năm của tỉnh khoảng 300 nghìn tấn, trong đó tiêu thụ nội tỉnh khoảng 50%, còn lại cung cấp cho các tỉnh lân cận.

Sản lượng rau đạt 450 nghìn tấn thì có khoảng 40% có thể cung cấp cho các tỉnh ngoài. Sản lượng rau chế biến như dưa bao tử, dưa chuột nhật, cà chua bi, ớt... đạt khoảng 36 nghìn tấn thì tiêu thụ trong tỉnh khoảng 70% sản lượng, còn lại cung cấp cho các tỉnh ngoài.

Sơ chế vải trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: VA

Riêng đối với thị trường Hà Nội, đầu cầu Bắc Giang cho biết thông qua các hoạt động kết nối, hàng năm các nhà cung cấp của tỉnh Bắc Giang vẫn cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 15 nghìn tấn gà, trong đó có 200 tấn gà đồi Yên Thế; hơn 1.000 tấn rau các loại; 2.500 tấn mỳ gạo; 1.350 tấn trái cây; 40 tấn giấm hoa quả; 14 tấn mật ong các loại.

Về phía tỉnh Hải Dương, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh này cũng cho biết hàng tháng, Hải Dương có thể cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh khác khoảng 10 nghìn tấn gạo, hơn 3.000 tấn thịt heo, hơn 2.600 tấn thịt gia cầm, 6 triệu quả trứng gia cầm, hơn 3.000 tấn cá, 20 nghìn tấn rau củ các loại...

Chia sẻ về những khó khăn trong lưu thông vật tư, nông sản hiện nay, các tỉnh đều cho biết việc vận chuyển sản phẩm đi các tỉnh lân cận, nhất là Hà Nội vẫn rất khó khăn.

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo cấp phép luồng xanh xe vận chuyển lưu thông hàng hóa thiết yếu nhưng việc vận chuyển, lưu thông nông sản và vật tư phục vụ sản xuất vẫn gặp khó. Nhiều xe phải tạm dừng vận chuyển do tăng chi phí và không đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp phép vào luồng xanh.

Cạnh đó, giá cả vật tư phục vụ sản xuất như phân bón, con giống và thức ăn chăn nuôi, thủy sản ở mức cao, trong khi giá thương phẩm một số nông sản giảm đã gây khó khăn cho duy trì sản xuất, tái đàn vật nuôi.

Tỉnh Bắc Giang cũng cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện nay các nông sản đang đến kỳ thu hoạch như na, nhãn gặp khó khăn khi vào thị trường lớn như Hà Nội... Các nông sản này chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và các tỉnh lẻ nên nông sản tiêu thụ chậm, giá bán thấp hơn so với các năm trước.

Thương lái thu mua nông sản phải qua nhiều tỉnh, nhiều chốt kiểm dịch, chi phí cho việc test Covid-19, cước vận chuyển cao nên cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. ..

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch Covid-19 gây ra. Từ đó, kéo theo nhiều khó khăn trong lưu thông phân phối, đặc biệt là chuỗi nông sản bị ách tắc trong tiêu thụ, xuất khẩu.

"Nếu chúng ta không có bước chuẩn bị tốt cho vụ tới đây thì khả năng thiếu hụt nông sản sẽ xảy ra" - Thứ trưởng Tiến nói.

Do đó, Thứ trưởng Tiến yêu cầu phải đặt ra các kịch bản ứng phó cho tình huống xấu nhất thì kế hoạch cung ứng nông sản, lương thực thực phẩm cho Hà Nội như thế nào, kế hoạch cung ứng của các tỉnh như Bắc Giang và Hải Dương như thế nào?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm