Ba yếu tố tác động lớn đối với thị trường Tết 2022

Doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán

Nhận đinh về nhu cầu Tết 2022, Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở công thương TP.HCM dự đoán thị trường Tết 2022 sẽ không sôi động bằng 2021 do những ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng vẫn ở mức gia tăng tương đối trong buối cảnh triển khai công tác chống dịch như hiện nay.

“Năm nay, chuẩn bị cho dịp Tết, chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp bình ổn và các doanh nghiệp chuẩn bị 7.011 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết. Như vậy, chương trình này là chương trình giữ giá ổn định một tháng trước và sau Tết.

Với khung chi phối khoảng 30-40% tùy mặt hàng, nó sẽ giúp giảm nhiệt sức nóng của thị trường và khi khu vực nào thiếu hụt, ví dụ như khu vực đông dân, sẽ cần tổ chức nhiều chương trình bình ổn, các doanh nghiệp khác cũng sẽ tham gia”- ông Vũ nhấn mạnh.

Nói về sức mua, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm thừa nhận sẽ có hạn chế phần nào về sức tiêu thụ lượng hàng nhưng các doanh nghiệp vẫn sản xuất, dự trữ trong tâm thế chuẩn bị cho cung ứng thị trường dịp Tết này.

Các doanh nghiệp thực phẩm đều đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu sắm Tết 2022 của người dân trên cả nước. Ảnh: Thu Hà

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân cho biết, năm nay, dư trữ lượng trứng của Công ty chúng tôi tính đến thời điểm này đạt khoảng 90%, và tiếp tục thực hiện bình ổn giá.

“Không bao giờ công ty bình ổn mà để thiếu hàng. Đây là việc làm của Công ty chúng tôi nhiều năm nay nên kinh nghiệm cũng nhiều. Thậm chí trong nhiều năm nay, cứ 2 ngày cuối cùng của năm, Ba Huân lại giảm giá trứng 2.000 đồng/vỉ để những người công nhân nhận lương muộn, đi chợ muộn đều có thể mua được vỉ trứng mang về”- bà Huân nói.

Trong khi đó, trước những lo lắng về sự thiếu hụt nguồn cung thịt ở một số nơi, ông Phạm Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho hay, đơn vị này đã chuẩn bị 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ, với mặt hàng thực phẩm chế biến là 4.200 tấn, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ.

“Ngoài ra, Công ty Vissan cũng chuẩn bị thịt heo đông lạnh khoảng 1.000 tấn, đóng gói 2 quy cách là 2 kg và 1 kg, dùng cho trường hợp nếu có biến động về nguồn thịt, chúng tôi sẽ đưa lượng hàng này ra thị trường để đáp ứng lượng hàng thiếu hụt đó. Với sản lượng này, chúng tôi cam kết bình ổn giá thị trường trước, trong và sau tết, đồng thời đáp ứng đủ cung ứng hàng cho người dân TP nói riêng và cả nước nói chung”- ông Dũng khẳng định.

Tăng thực phẩm thiết yếu

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op bày tỏ, đơn vị đã có sự chuẩn bị dài hơi và thực tế hơn. Bởi theo quan sát của mình, trong năm nay người dân sẽ tập trung vào những sản phẩm mang tính vui tết, thiết yếu cho đời sống như những đồ dùng trong gia đình, thậm chí may mặc quần áo cũng ghi nhận sự gia tăng.

Ông cũng nhìn nhận, có ba điểm tác động rất lớn đối với thị trường Tết của Saigon Co.op nói riêng và các doanh nghiệp liên quan nói chung.

Thứ nhất, do ảnh hưởng của dịch chắc chắn hoạt động du lịch từ TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung các nước rất khó khăn, nên tiêu dùng Tết cũng như các hoạt động vui chơi giải trí chỉ ở trong nước.

Thứ hai là việc di chuyển không tạo được làn sóng như là công nhân về quê ăn Tết, do đó tỉ lệ ai ở đâu ở đó ăn Tết là một xu hướng mới của 2022.

Thứ ba, tình hình Tết sẽ linh hoạt theo từng địa phương cụ thể. Bởi vì tình hình dịch bệnh xảy ra ở các địa phương cũng sẽ khác nhau.

“Chính vì vậy, về nhu cầu dự trữ hàng hóa, nhu cầu chuẩn bị Tết, chúng tôi có sự chuẩn bị thừa hơn là thiếu. Về tổng dung lượng hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, những sản phẩm thiết yếu.

Trong đợt Tết này, chúng tôi không tập trung nhiều quá về mặt hình thức mà thực chất hơn như không tăng giá, không lo thiếu hàng dịp Tết. Thêm vào đó, để “những Tết xa thêm gần”, bà con có thể đặt hàng ở bất cứ địa điểm nào trên toàn quốc của Sài Gòn Co.op và chúng tôi sẽ đưa hàng hóa đúng như chất lượng cam kết. Chúng tôi cũng sẽ mở cửa đến ngày 29 tết và quay trở lại vào mùng 2 Tết Nguyên đán”- ông Đức nhấn mạnh.

Với mặt hàng ngoại nhập độc lạ, ông Đức thừa nhận, năm nay sẽ gặp nhiều hạn chế về nguồn cung, kéo theo đó các sản phẩm hàng Việt có cùng công năng, chất lượng đã được cập nhật lên kệ hàng để giới thiệu đến tay người tiêu dùng.

“Qua quan sát, kinh doanh tiêu dùng Tết đã có sự cất cánh, những dấu hiệu khởi sắc rất tốt trên thị trường vào dịp cuối năm”, Tổng giám đốc Saigon Co.op nhìn nhận.

Thống kê của Sở công thương TP.HCM cho biết,  trong ba tháng cuối năm, thị trường TP.HCM ghi nhận mức độ tăng trưởng trở lại khi tháng 10 tổng doanh số bán buôn, bán lẻ ở mức 43.000 tỉ đồng, tháng 11 là 55.000 tỉ đồng, và dự kiến tháng 12 sẽ đạt hơn 66.000 tỷ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm