Áo sơmi Việt Nam làm từ… cây tre

Không ít doanh nghiệp đã góp phần nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường nhờ đáp ứng xu hướng xanh, phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung của toàn cầu. Đặc biệt nhờ phát triển theo xu hướng xanh, các công ty Việt đã được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu...

Thời trang từ nhựa tái chế

Khoác trên mình chiếc áo sơmi công sở lịch lãm của một thương hiệu hàng đầu Việt Nam (VN), anh Quốc Việt, một nhân viên văn phòng ở quận 1, TP.HCM, bất ngờ khi biết toàn bộ sợi vải để dệt áo được chiết xuất từ cây tre. Đây là một loại cây thân thuộc được trồng khắp làng xóm VN.

Thực tế, anh Việt cũng như phần đông khách hàng hoàn toàn không biết đang có một cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu thời trang về sử dụng các nguyên liệu tái chế và thân thiện với môi trường để sản xuất quần áo.

Nói cách khác, nhiều hãng thời trang đang đẩy mạnh chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống lãng phí, thậm chí gây hại môi trường sang hệ thống bền vững hơn. Đơn cử như hãng thời trang H&M sử dụng trong quần áo có đến 20% nguyên liệu tái chế. Hay hãng thời trang Uniqlo có những dòng sản phẩm được sáng tạo từ các vỏ chai nhựa tái chế thành những sợi vải khô nhanh.

Không nằm ngoài xu thế chung, Việt Tiến, thương hiệu thời trang hàng đầu VN, tạo ra bộ sưu tập chất liệu xanh mang tên Bamboo và Tencel. Chất liệu Bamboo là loại sợi vải đặc biệt ứng dụng công nghệ sinh học được chiết xuất từ cây tre. Còn chất liệu Tencel được dệt từ bột gỗ của cây trồng tự nhiên bắt nguồn từ rừng trồng…

Ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May Việt Tiến, cho biết tất cả nguyên liệu sử dụng đều đến từ các nguồn bền vững hơn. Đây cũng là một trong những lợi thế cạnh tranh của công ty với các đối thủ quốc tế tại thị trường VN.

 “Chẳng hạn, với bộ sưu tập chất liệu xanh Bamboo và Tencel đã tạo dựng phong cách cho người đàn ông Việt, đồng thời hướng đến môi trường bền vững thông qua chất liệu xanh. Nói cách khác, nó cũng minh họa cho việc thời trang mà người đàn ông đang mặc không chỉ tinh tế, lịch lãm mà còn gánh vác trách nhiệm bảo vệ môi trường” - ông Tiến lý giải.

Được Mỹ bảo hộ sản phẩm xanh

Mới đây, dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn mang tên AnEco, 100% thân thiện môi trường của Tập đoàn An Phát đã chính thức được bảo hộ tại Mỹ. Dòng sản phẩm này bao gồm túi, dao, thìa, đĩa, ống hút… do chính công ty nghiên cứu và phát triển.

An Phát đánh giá đây là thành công đáng khích lệ của công ty sau một thời gian dài nỗ lực xây dựng và phát triển dòng sản phẩm xanh tại thị trường Mỹ. Nó cũng tạo cơ hội rộng mở cho công ty trong việc thực hiện các dự án hợp tác kinh doanh cũng như đưa dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn đến người tiêu dùng.

Để phát triển dòng sản phẩm xanh, An Phát thay vì sử dụng hạt nhựa để làm bao bì đã sử dụng các nguyên liệu xanh có nguồn gốc tự nhiên như bột bắp, tinh bột thực vật, collagen, xơ cellulose… Ông Nguyễn Lê Trung, Tổng giám đốc An Phát, nói: “Chúng tôi hiểu rất rõ rằng lựa chọn nhựa sinh học để phát triển sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận nhiều thử thách bởi thị trường VN chưa thật sự phổ biến công nghệ này. Tuy nhiên, một khi chúng tôi đã làm sản phẩm xanh có nghĩa là phải xanh tuyệt đối, làm sao để sản phẩm không chỉ bán được ở VN mà còn phải được chấp nhận trên thế giới”.

Những tính toán của ông đang tỏ ra chính xác khi nhiều siêu thị tại VN như Vinmart, Big C, Lotte, Aeon… chuyển sang sử dụng các túi nylon thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, hiện đã có hàng chục quốc gia như Mỹ, Ý, Pháp, Úc… đang sử dụng sản phẩm này.

Nhiều công ty sử dụng điện mặt trời, năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng. Ảnh: TL - PM

Mở cơ hội ra thế giới

Một câu chuyện thú vị khác đến từ Công ty Agrex Saigon, một trong những công ty hàng đầu về xuất khẩu thực phẩm đông lạnh mà thị trường chính là Nhật. Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Agrex Saigon, kể khách Nhật đặt sản phẩm có tên là Chimaki với khối lượng sản phẩm cực lớn. Đây là một loại xôi của Nhật nhưng họ đòi hỏi xôi phải đóng gói trong lá dừa.

Những chiếc lá dừa này phải được xử lý qua nhiệt đảm bảo tiệt trùng nhưng vẫn giữ được màu xanh mướt. Đồng thời lá dừa phải được tạo thành hình hộp nên chỉ có thể làm bằng bàn tay con người mới tạo hình đẹp, thẩm mỹ.

“Bằng cách này, chúng tôi vừa đáp ứng được các yêu khắt khe của khách Nhật về chất lượng, sự tinh tế về mỹ thuật. Quan trọng nhất là các nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi nhưng lại góp phần tạo ra sản phẩm xanh, sạch và làm gia tăng giá trị rất lớn cho sản phẩm” - ông Long nói.

Tương tự, Khu công nghiệp Kizuna đã chơi lớn khi bỏ ra 3 triệu USD để xây dựng nhà máy điện mặt trời. Ông Đoàn Hồng Dũng, Chủ tịch HĐQT Kizuna, tính toán với số tiền này ông hoàn toàn có thể đầu tư cho cuộc chơi bất động sản tăng giá trị hằng ngày hay các lợi ích nhìn thấy ngay. Tuy nhiên, đơn vị đã bỏ nguồn lực tài chính rất lớn xây dựng hệ thống điện mặt trời, một xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng bảo vệ môi trường, tuân thủ các điều kiện về tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp Việt thừa nhận hiện nay muốn hợp tác với các đối tác ngoại hoặc bán hàng vào những thị trường khó tính thì các công ty Việt phải có công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, áp dụng giải pháp tái chế chất thải, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường... Nếu không đáp ứng được những tiêu chí này thì sản phẩm dù có chất lượng tốt đến đâu cũng khó đặt chân vào những thị trường khó tính.

Sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn của An Phát. Ảnh: TL - PM

Bị đào thải nếu không thay đổi

Một nghiên cứu của Nielsen VN cho thấy đối với người tiêu dùng hiện đại thì chất lượng sản phẩm không chỉ là độ bền mà sản phẩm phải vừa tốt cho sức khỏe người sử dụng, vừa bảo vệ môi trường. Đặc biệt là khoảng 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu xanh và sạch.

Hàng loạt nước trên thế giới cũng xem việc bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí để đánh giá sản phẩm, sự phát triển bền vững của các công ty. Điều này cũng có nghĩa các công ty Việt đang phải đối mặt với việc mất thị trường, giảm thị phần nếu không bắt kịp sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của thị trường về sản phẩm xanh. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.