An toàn vệ sinh lao động: Lợi đơn lợi kép

Người lao động sẽ thực sự yên tâm làm việc khi quyền lợi của mình được bảo đảm
Người lao động sẽ thực sự yên tâm làm việc khi quyền lợi của mình được bảo đảm

Theo VCCI, có thể coi an toàn lao động chính là một trong những chìa khóa thành công của các DN. Bởi sức khỏe và an toàn lao động có lợi cho tất cả mọi người và quá trình thông tin liên lạc có hiệu quả là điều cần thiết để lập một “nền văn hóa an toàn” trong DN, thông tin phải được truyền lên xuống, qua lại trong DN theo cách dễ hiểu nhất với mỗi người tiếp nhận nó.

Thiết lập hệ thống thông tin hai chiều

Để có thể làm được điều này, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần xây dựng một mạng thông tin trong nội bộ DN và bên ngoài DN để tuyên truyền, phổ biến, thảo luận, tư vấn về vấn đề ATVSLĐ với các cấp liên quan. Đây cũng là cơ sở để đánh giá hiệu quả của quá trình triển khai công tác ATVSLĐ trong DN.

Các chuyên gia về VSATLĐ VCCI khuyên rằng mô hình thông tin này nên bao gồm sự tư vấn chính thức thông qua việc thiết lập hội đồng bảo hộ lao động (BHLĐ) và sự tư vấn thông qua hàng loạt phương thức thông tin giữa người sử dụng lao động. Mô hình này nhất thiết phải đảm bảo luồng thông tin thông suốt theo chiều dọc và chiều ngang. Thông tin phải được cung cấp theo dạng và cách thức đầy đủ và thích hợp, mà để thực hiện được điều này phải tính đến cả trình độ đào tạo, kiến thức kinh nghiệm, văn hóa và ngôn ngữ của người lao động.

Việc thiết lập thông tin nội bộ rất cần thiết vì nó tạo thuận lợi cho việc phối hợp hoạt động của tất cả các thành viên về công tác ATVSLĐ, đảm bảo mọi người sẽ hiểu và thực hiện thống nhất... Ngoài ra, cũng cần phổ biến các thông tin thực tế liên quan đến ATVSLĐ, chẳng hạn thông tin từ các luồng bên ngoài, những quy định về ATVSLĐ có thể ứng dụng, các bài học rút ra từ các sự cố, báo động về an toàn... hay các thông tin về kỹ thuật, ví dụ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật có liên quan tới kiểm soát rủi ro, nâng cao quản lý và thực hành hệ thống ATVSLĐ hay sự chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp, hệ thống thông tin cần trong tình huống khẩn cấp...

Các thông tin từ bên ngoài rất quan trọng, nó đề cập vấn đề pháp lý, cung cấp dữ liệu về tai nạn và sự cố cho các cơ quan thẩm quyền. Tiếp nhận ý kiến cộng đồng về các rủi ro liên quan đến công việc có thể dẫn đến hình thành nguyên tắc chung hay dư luận xã hội, trên cơ sở đó DN có thể tự có kế hoạch cải thiện. Chính vì vậy, các DN nên thiết lập hệ thống thông tin hai chiều để có thể nắm bắt được ý kiến của DN cũng như của xã hội về vấn đề ATVSLĐ, đồng thời giải quyết thắc mắc khi cần thiết.

Lãnh đạo DN cũng cần thâm nhập thực tế

Để làm tốt công tác ATVSLĐ, lãnh đạo DN nên thâm nhập thực tế, sau đó thông tin bằng văn bản và thảo luận trực tiếp. Trong từng hoàn cảnh phải lựa chọn sử dụng phương thức thích hợp nhất để đảm bảo rằng người lao động hiểu và thực hiện đúng.

Theo các chuyên gia VCCI, nhất thiết người lãnh đạo, giám đốc DN phải làm gương và đi đầu trong việc cam kết thực hiện chính sách ATVSLĐ. Ví dụ, có thể đưa các mục tiêu của chính sách ATVSLĐ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đưa công tác quản lý ATVSLĐ vào thành chuyên đề thảo luận trong các cuộc họp cấp quản lý, thực hiện thường xuyên các đợt kiểm tra về tình hình thực hiện công tác này tại các phòng, ban và thuyết trình về chính sách ATVSLĐ cho từng nhóm công nhân... Bên cạnh đó, để làm gương trong công tác này, lãnh đạo DN cần tham gia việc lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát và tổng kiếm tra kết quả hoạt động ATVSLĐ.

Mặt khác, trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động, giám đốc DN phải trực tiếp tham gia tích cực vào công tác điều tra về tai nạn và sự cố...

Khi tổ chức thực hiện ATVSLĐ, người sử dụng lao động trong các DN cũng cần nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm về ATVSLĐ mà luật pháp đã quy định tại Điều 13 của Nghị định 06/CP ngày 20/1/1995 như:

* Khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN phải lập kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ và cải thiện điều kiện lao động;

* Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện tốt các chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, chế độ đối với lao động nữ, chế độ bồi thường TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN), các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trang bị các phương tiện cấp cứu, kiểm tra đo đạc các yếu tố độc hại, khi phát hiện có bất thường phải kịp thời kiểm tra, xử lý;

* Xây dựng nội quy, quy trình ATVSLĐ phù hợp với từng loại máy, thiết bị, công nghệ đúng theo tiêu chuẩn của Nhà nước;

* Tổ chức khám sức khoẻ, huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ;

* Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đăng ký, kiểm định khi sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ;

* Thống kê, báo cáo tình hình thực hiện...

Theo Quốc Anh ( DĐDN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm