Ấn Độ nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Phát biểu ngày 16/7, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma cho biết chính phủ nước này đã đạt được sự đồng thuận về tăng trần FDI và nới lỏng cho FDI trong một số lĩnh vực, sau cuộc họp giữa Thủ tướng Manmohan Singh với các Bộ trưởng chủ chốt trong nội các.

Theo quy định mới, trần FDI đối với lĩnh vực hàng không dân dụng và quốc phòng vẫn giữ nguyên mức tương ứng 49% và 26%; mức trần FDI trong lĩnh vực bảo hiểm được nâng từ 26% lên 49% theo "con đường tự động" - tức là các công ty đầu tư không cần chờ chính phủ phê chuẩn. Tuy nhiên, dự luật nâng trần FDI trong lĩnh vực này đang chờ Thượng viện thông qua.

Đối với lĩnh vực bán lẻ đơn thương hiệu, 49% FDI sẽ được vào theo “đường tự động,” cao hơn mức này cần được Cục Xúc tiến đầu tư nước ngoài (FIPB) xem xét.

Trong lĩnh vực nhà máy lọc dầu, thị trường chứng khoán, các công ty thanh toán nợ, 49% FDI sẽ được phép vào theo “đường tự động” thay vì phải thông qua FIPB như hiện nay.

Lĩnh vực dịch vụ mạng di động, FDI được nâng lên kịch trần 100% so với 74% hiện nay, trong đó 49% được vào theo "đường tự động” và phần còn lại phải được FIPB thông qua; lĩnh vực dịch vụ thư tín được phép thu hút 100% FDI theo “đường tự động”; các công ty thông tin về tín dụng cũng được thu hút 74% FDI.

Ngoài ra mức trần cao hơn cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo công nghệ hiện đại cũng đang được nội các về an ninh xem xét.

Các quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp, thu hút vốn đầu tư FDI bị sụt giảm, thâm hụt ngân sách tăng, đồng rupee mất giá, và các vụ bê bối liên quan đến nhận hối lộ trong khi cuộc tổng tuyển cử đang tới gần (tháng 5/2014).

Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện cải cách nền kinh tế, năm ngoái Chính phủ Ấn Độ cũng đã mở cửa cho đầu tư FDI vào lĩnh vực siêu thị, hàng không dân dụng, truyền thông.

Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm