Ai được quyền xuất khẩu gạo theo nghị định mới?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Nghị định 109/2010, Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2018.
Theo đó, điều kiện kinh doanh đối với hoạt động xuất khẩu gạo bao gồm: Thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo khi có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Thương nhân phải có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Điểm quan trọng nhất về quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, Chính phủ đã nới lỏng: Để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thương nhân có thể sở hữu kho và cơ sở xay xát hoặc có thể thuê lại của tổ chức, cá nhân khác.

Nghị định mới 107/2018 "cởi trói" nhiều điều kiện xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp

Đặc biệt, các hợp đồng thuê các cơ sở này phải bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.
Như vậy, Nghị định 107/2018 mà Chính phủ vừa ban hành dựa trên Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu do Bộ Công Thương soạn thảo đã mở hơn so với quy định cũ tại Nghị định 109/2010, trước đó yêu cầu thương nhận phải sở hữu ít nhất 1 kho tối thiểu 5.000 tấn và một cơ sở xay xát công suất 10 tấn thóc/giờ.
Các thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.
Các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm tra bằng văn bản.
Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra công tác hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận và việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm