Ai cũng “than khó” vì Luật Doanh nghiệp

Sáng 8-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) về Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2005. Phản ánh của Satra và các công ty liên quan cho thấy có nhiều điểm trong luật cần được xem xét điều chỉnh, thậm chí là sửa lại.

Luật bị hiểu theo nhiều kiểu!

“Cần phải nhớ rằng viết luật là viết cho DN, người dân đọc và thực hành chứ không phải chỉ viết cho nhà khoa học, nhà quản lý đọc. Còn cách viết văn bản hiện nay thì ai hiểu sao cũng được, làm thế nào đi nữa cũng bị nói là sai!” - bà Lê Minh Trang, Tổng Giám đốc Satra, cho biết.

Đồng tình quan điểm trên, bà Đặng Thị Kim Xuân, Giám đốc pháp chế của Satra, dẫn chứng: “Satra từng lập hai công ty, vừa mang tính kinh doanh vừa mang tính phục vụ chính trị. Satra hiểu quy định của luật là Satra có quyền thành lập công ty TNHH một thành viên từ vốn của Satra, không phải vốn nhà nước”. Thế nhưng theo bà Xuân lại xảy ra việc chênh nhau về hiểu luật. Có ban-ngành lấy nghị định này áp dụng thì đồng ý với Satra, có ban-ngành lấy nghị định khác ra so thì không chịu. Chính phủ về kiểm tra thì phê bình là Satra không xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu kiểm điểm. Satra phải giải trình rất nhiều lần. Rút kinh nghiệm là sau này có việc gì thì cứ hỏi hết các ban-ngành và trung ương cho chắc.

Dẫn thêm một ví dụ khác, bà Xuân bức xúc: “Nhìn vào luật, Satra hiểu rằng Satra là công ty mẹ mà đầu tư xuống các công ty con của Satra thì vốn đó là của Satra chứ không phải vốn của UBND TP. Nghĩa là Satra không cần xin ý kiến UBND TP. Tuy nhiên, nhiều ban-ngành thì hiểu rằng tất tần tật mọi thứ đều phải xin ý kiến UBND TP.” Rất may có Nghị định 199 ra đời, chỉ đích danh nếu đầu tư vốn của tổng công ty vào DN khác thì thuộc quyền của hội đồng quản trị. Thế nhưng cũng có ý kiến là Nghị định 199 tuy ra đời sau nhưng lại không nói là thay cho Nghị định 66 nên Nghị định 66 vẫn còn hiệu lực. Trong khi theo Nghị định 66 thì mọi thứ phải xin ý kiến UBND TP.

 
Bà Đặng Thị Kim Xuân, Giám đốc pháp chế của Satra, nói làm sao để áp dụng Luật DN một cách trực tiếp chứ không lệ thuộc vào nghị định, thông tư như hiện nay. Ảnh: HTD

Giải thích thêm về vấn đề của Satra, TS Trần Du Lịch, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP, cho rằng: “Thử hình dung DNNN như một công ty cổ phần mà có một cổ đông là Nhà nước. Như trường hợp Satra thì cổ đông đó là UBND TP. Như vậy vấn đề gì mà Luật DN giao quyền cho cổ đông biểu quyết thì phải xin ý kiến UBND TP”.

DNNN gặp khó vì văn bản dưới luật

“Từ khi có Luật DN 2005 thì DNNN lại bị điều chỉnh nhiều bằng văn bản dưới luật. Đây là một sự thụt lùi về nguồn luật áp dụng. Xu thế của Luật DN 2005 là nới rộng thoáng hơn nhưng các văn bản dưới luật, thậm chí văn bản dưới nghị định, thông tư… thì lại thắt chặt hơn. Chúng tôi thấy nặng nề lắm” - bà Xuân bức xúc. Từ đó Satra có kiến nghị nên có một chương riêng trong Luật DN sửa đổi để điều chỉnh DNNN. Làm sao để áp dụng luật một cách trực tiếp chứ không lệ thuộc vào nghị định, thông tư như hiện nay.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đồng tình với kiến nghị của Satra. Ông cho rằng DNNN thời gian qua bị quản lý bởi rất nhiều cơ quan chủ quản, làm tăng chi phí, lại mất thời cơ do chờ đợi các quyết định kinh doanh. Luật DN 2005 chưa bao quát hết tính chất pháp lý và vì DNNN có tính đặc thù nên luật cần được bổ sung một chương riêng.

Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch cho biết có thể sẽ có một đạo luật riêng về quản lý phần vốn kinh doanh của Nhà nước. Bà Lê Minh Trang cho rằng nếu có một đạo luật riêng, xin đừng gom hết nghị định, thông tư hiện nay đưa vào luật, sẽ khiến DN luẩn quẩn như đeo vòng kim cô!

Lương bổng chưa công bằng

Các công ty thành viên của Satra đều phản ánh bất hợp lý trong cách trả lương cho người đại diện vốn nhà nước. “Luật DN thì nói là bình đẳng cho các thành phần kinh tế theo cơ chế thị trường. Nhưng mà tiền công trả cho người quản lý thì không bình đẳng, không theo cơ chế thị trường”. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan, cho biết các công ty cổ phần khác cũng nói chưa bình đẳng với DNNN mà DNNN cũng thấy chưa được bình đẳng với các công ty cổ phần.

“Lương của tôi không được quá 26 triệu đồng/tháng. Lương trưởng phòng còn cao hơn lương tôi! Theo quy định của các nghị định, thông tư hiện nay thì lương viên chức quản lý ở DNNN là hằng số, trong khi các anh này phải quản lý biến số kích thích tăng trưởng, vậy là không hợp lý! Doanh thu có thể tăng, lợi nhuận có thể tăng nhưng lương mình không được tăng! Hai năm nữa chúng tôi thành cổ phần, chúng tôi sẽ thoát điều này. Nhưng hiện nay phải giải quyết sao đây?” - ông Mười băn khoăn.

QUỲNH NHƯ

 

Cổ đông lớn bị bạc đãi

“Cứ tưởng cổ đông lớn được ưu đãi, hóa ra là cổ đông… bị bạc đãi thì đúng hơn” - một thành viên Satra phản ánh. Luật DN muốn bảo vệ cổ đông nhỏ nên đưa ra các tỉ lệ biểu quyết như 51%, 65%. Trong thực tế có những trường hợp cổ đông nắm 64% vốn mà thua nhóm cổ đông nắm 36% chỉ vì Luật DN đòi phải đến 65% vốn biểu quyết. Hóa ra Luật DN bảo vệ cổ đông nhỏ mà làm hại cổ đông lớn! Làm sao sửa Luật DN để các bên tuy không có tiếng nói chung vẫn có thể tìm được một cách nào đó giải quyết vấn đề chung của công ty?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm