90% doanh nghiệp du lịch không hoạt động, dệt may xuất khẩu giảm

Bộ KH&ĐT vừa gửi dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 cho một số bộ, ngành và các tỉnh, thành liên quan, đề nghị góp ý.

Một trong những điểm mà dự thảo nhấn mạnh là các khó khăn, tồn tại của cộng đồng doanh nghiệp trong thời COVID-19.

Bộ KH&ĐT cho rằng: COVID-19 gây ra xáo trộn lớn, tác động rất tiêu cực đến kinh tế, trong đó khu vực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Các khó khăn có thể kể đến như: trả lương, đóng bảo hiểm, phí công đoàn, lãi vay, tiền điện, nước, nhiên liệu, kho, bãi, nhà xưởng…

Cũng chính vì vậy mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn năm 2019, trong khi đó doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh. Điều này kéo theo số lượng việc làm đăng ký năm 2020 cũng giảm tới 16,9% so với 2019.

“Tính chung năm 2020, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là gần 1,2 triệu người, tăng 277,8 nghìn người so với năm 2019”, dự thảo cho hay.

Số người mất việc làm tại các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân cũng tăng lên. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12-2020 có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ.

Đáng chú ý, trong các khó khăn doanh nghiệp gặp phải thì có khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

“Đặc biệt việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do các điều kiện khắt khe, không hợp lý, quy định hướng dẫn còn chung chung và nhiều điểm chưa rõ ràng, bất cập”, Bộ KH&ĐT nêu.

Du lịch, nhà hàng, khách sạn bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90 % doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10 % DN hoạt động cầm chừng.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương và kích cầu du lịch nội địa để truy trì nhân sự chủ chốt.

“Quy định tiền ký quỹ 500 triệu/doanh nghiệp lữ hành quốc tế khiến doanh nghiệp bị đọng vốn. Do khó khăn khoảng 600 doanh nghiệp tạm rút giấy phép để lấy lại ký quỹ, cân đối tài chính.

Giá điện của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú vẫn bị áp giá điện dịch vụ, chưa được tính theo giá điện sản xuất, dẫn đến chi phí duy trì cao. Các DN lữ hành quốc tế bị mất tiền đặt cọc cho các hãng hàng không quốc tế 50-60 tỉ do hủy tour. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ từ nhà nước”, Bộ KH&ĐT cho biết.

Ngành dệt may cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi năm 2020 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 35 tỉ USD, giảm mạnh so với 39 tỉ năm 2019. Bộ KH&ĐT dự báo ngành này sẽ còn gặp khó khăn hơn trước khi nguồn hàng để duy trì việc làm khó khăn, các đơn hàng cũ đã hết và tiền dự phòng giảm dần.

“Theo dự bảo của các doanh nghiệp, phải đến quý II/2022 hoặc chậm nhất là quý IV/2023, thị trường dệt may mới phục hồi cầu về ngưỡng năm 2019, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát và doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA”, dự thảo báo cáo nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm