80 doanh nghiệp gas có nguy cơ đóng cửa

Khoảng 80 doanh nghiệp gas trên cả nước đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không đáp ứng đủ điều kiện mà nghị định này quy định.

Một trong những quy định làm doanh nghiệp lo lắng tại Nghị định 107 là để được xuất nhập khẩu LPG (gas), thương nhân phải đáp ứng điều kiện có tối thiểu 300.000 chai gas các loại... Ngoài ra, điều kiện đối với thương nhân phân phối gas cấp 1 là phải có kho với tổng sức chứa các bồn tối thiểu 800 m3 đến 3.000 m3…

Cũng theo nghị định này, các cơ sở kinh doanh gas đang hoạt động không đáp ứng đủ các điều kiện chỉ được hoạt động đến hết ngày 30-9-2010.

Bắt doanh nghiệp đầu tư lãng phí

Lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh gas vừa và nhỏ như Công ty TNHH Khí đốt Nam Việt (TP.HCM), Công ty Khánh Ngọc (Khánh Hòa), Công ty Khánh Thư (Dăk Lăk), Công ty TNHH Thái Lan (Đồng Nai)… đều cho rằng rất choáng váng khi đọc những quy định này. Theo các doanh nghiệp, quy định này trái với Luật Doanh nghiệp, ảnh hưởng mạnh đến sự sống còn của các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy hiện nay tại các doanh nghiệp, đại lý, người sử dụng đã có chai gas và kho tồn trữ đáp ứng đủ nhu cầu của từng địa phương thì việc đầu tư chai gas và kho thêm nữa để làm gì?

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Miền Đông (TP Đà Lạt) cho rằng: “Không có lý do gì để được kinh doanh gas phải làm một trạm chiết có sức chứa tối thiểu 800 m3. Nếu phải dự trữ thì có thể dự trữ sẵn trong bình gas chứ không nhất thiết phải đi xây kho chứa với khối lượng lớn như vậy. Các đơn vị có thương hiệu, có thế mạnh về tổ chức, phân phối gas chai không nhất thiết phải đi xây kho mà phải để họ mua lại hàng của đơn vị có thế mạnh về kinh doanh kho và xuất nhập khẩu. Có như vậy thị trường mới tối ưu, giúp hạ giá thành, góp phần tăng năng lực cạnh tranh. Các đơn vị xuất nhập khẩu giỏi nhưng yếu về phân phối gas chai thì không lý gì bắt họ phải đầu tư 120 tỉ đồng để có 300.000 chai gas (giá 400.000 đồng/vỏ chai gas) thì mới cho họ quyền nhập khẩu gas. Nếu quy định như thế thì ngành kinh doanh gas sẽ phải lãng phí không biết bao nhiêu tiền một cách kém hiệu quả vào việc mua sắm chai gas và xây kho chứa”.

80 doanh nghiệp gas có nguy cơ đóng cửa ảnh 1

Theo nghị định, các doanh nghiệp nhỏ khó đầu tư số lượng vỏ bình gas theo quy định. Ảnh: HTD

Hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp kinh doanh, chiết xuất gas. Nếu quy định 300.000 vỏ chai gas/doanh nghiệp sẽ làm cho mức tổng đầu tư cũ và mới của cả nước vượt trên 24 triệu vỏ chai gas, tương đương gần 10.000 tỉ đồng. Trong khi thực tế tổng nhu cầu gas dân dụng hiện nay chỉ khoảng 700.000 tấn/năm, cần tổng nhu cầu khoảng 8 triệu vỏ chai gas với quy mô vốn chỉ 3.200 tỉ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng thị trường vỏ chai gas đã lãng phí hơn gấp ba lần vốn cần thiết. Đáng lưu ý hơn, nhà máy sản xuất vỏ chai gas lớn nhất hiện nay của PetroVietnam sản xuất hết công suất liên tục trong một năm cũng chỉ được 300.000 vỏ. Thế nhưng theo quy định thì từ ngày nghị định được ban hành đến ngày 30-9-2010 chỉ có chín tháng, làm sao 80 doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu gas, thương nhân phân phối cấp 1 có thể mua cho đủ mỗi doanh nghiệp 300.000 vỏ chai gas?

Doanh nghiệp nhỏ... bỏ cuộc chơi

Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Dăk Nông nhận định: Những quy định trên không những tạo ra sự bất bình đẳng mà còn bóp chết các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, chiết nạp gas vừa và nhỏ. Bởi lẽ muốn tồn tại, các doanh nghiệp cần phải có vốn đầu tư khổng lồ khoảng 130 tỉ đồng để mua 300.000 vỏ chai gas và làm kho chứa 800 m3 trong khi điều kiện vốn liếng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn. Vừa qua, Chính phủ đã phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ưu đãi thông qua gói kích cầu. Quy định như vậy sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp lớn và nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng bóp chết các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm độc quyền thao túng thị trường, triệt tiêu cạnh tranh trong ngành kinh doanh gas. Cuối cùng thì người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu thiệt thòi.

Ngoài ra, việc quy định mỗi đại lý chỉ được ký hợp đồng phân phối cho tối đa ba thương hiệu gas là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho đại lý và cho người tiêu dùng. Khi các đại lý chỉ được bán có ba thương hiệu gas sẽ làm giảm cơ hội lựa chọn của người tiêu dùng trong khi trên thị trường hiện nay có nhiều thương hiệu. Mặt khác, quy định này sẽ dẫn tới việc phân phối gas phải qua nhiều cấp trung gian, chi phí gia tăng trong vận chuyển, đẩy giá thành gas đến người tiêu dùng tăng cao.

Lãnh đạo trên 30 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh gas tại các tỉnh phía Nam cùng bày tỏ lo lắng rằng khi nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp là những đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất, sau ngày 30-9-2010 có thể sẽ bị phá sản hàng loạt, kéo theo hàng chục ngàn lao động thất nghiệp, tất cả công sức và tài sản đầu tư của họ sẽ trở về con số không, cộng thêm các khoản nợ ngân hàng mất khả năng chi trả…

Các doanh nghiệp cho biết đã làm đơn kiến nghị gửi Thủ tướng xem xét.

MINH TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm