62.000 tỉ: 'Đừng để ai bị xử lý… vì đó là nỗi nhục'

Tại hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai và hướng dẫn công tác giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có một bài phát biểu được các đại biểu dự hội nghị tán thành và hưởng ứng.

Hội nghị diễn ra chiều 27-4, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Tất cả bộ, ngành và các địa phương phải nghiêm túc quán triệt và thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ, Quyết định 15 của Thủ tướng. Phải đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác, đề cao trách nhiệm và sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, trước Chính phủ và nhân dân.

Bộ trưởng Dung nói Bộ Tài chính và NHNN chắc phải ra thông tư, còn Bộ LĐ-TB&XH không ra văn bản gì nữa, vì “các hướng dẫn được thể hiện trong Quyết định 15 của Thủ tướng rồi”. Bộ trưởng Dung cũng nói sẽ thường xuyên kiểm tra đôn đốc tình hình thực hiện ở địa phương, đơn vị. Không để lợi dụng để trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nếu có.

Bộ trưởng Dung đề nghị các địa phương bám sát các nguyên tắc cơ bản là tập trung chỉ hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu về thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19… “Tinh thần là Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm đảm bảo cuộc sống của người dân” - Bộ trưởng Dung nói.

Bộ trưởng Dung cũng khẳng định: Việc hỗ trợ cần phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng chính sách, và sẽ xử lý nghiêm minh nhất tất cả vi phạm. Ông nói: “Đồng chí Sơn (Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - PV) Thứ trưởng Bộ Công an cũng trao đổi báo cáo với anh Mẫn, với chúng tôi. Chúng tôi không mong muốn có chuyện gì xảy ra và mong gói 62.000 tỉ không xảy ra tình trạng phải khởi tố”.

Tuy vậy, Bộ trưởng Dung cũng nói nếu xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, xử lý về Đảng, xử lý về hành chính và nếu vi phạm đến mức xử lý về hình sự thì chuyển cơ quan xử lý hình sự.

Với các đối tượng nhận hỗ trợ, nếu từ chối nhận hoặc xin nhận một chính sách nào đó thấp hơn thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, không ép bất cứ đối tượng nào. “Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nhưng sẵn sàng nhường chính sách này cho người khác” - Bộ trưởng Dung nói và đề nghị nếu ai nhường thì nhường từ khi nộp hồ sơ.

Bộ trưởng Dung cũng nói sẽ không ban hành thêm thủ tục hành chính, các thủ tục hiện hành phải làm nhanh, khẩn trương, không để chính sách làm ra rồi mà còn lòng vòng mãi, không để trễ về chính sách.

“Giờ dân mong chờ lắm rồi, lúc người ta đói cần thì phải hỗ trợ ngay, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của chúng ta” - Bộ trưởng Dung nói và mong muốn gói hỗ trợ này được triển khai ngay trong tháng 4-2020.

“Tôi khuyến khích Hà Nam, TP.HCM, Hà Nội cố gắng trước 30-4 hỗ trợ được nhóm đối tượng người lao động tự do càng sớm các tốt bởi đây là đối tượng khó khăn nhất hiện nay, không chờ đâu” - Bộ trưởng Dung phát biểu.

Phía Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Dung nói sẽ lập đường dây nóng, lập trang điện tử, lập một nhóm để nghiên cứu giải đáp các thắc mắc. Còn về kinh phí triển khai gói 62.000 tỉ, Bộ trưởng Dung cho rằng: Những địa phương khó khăn ban đầu thì có thể đề xuất với Chính phủ ứng trong một phạm vi nhất định. Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét ứng kinh phí trong phạm vi cho phép.

Cuối cùng, Bộ trưởng Dung nói: “Gói này (62.000 tỉ - PV) rất quan trọng. Tôi mong lần triển khai này không có cán bộ, đảng viên nào bị kỷ luật dù bất kỳ hình thức nào như là để dê đi lạc vào nhà quan... Vì làm như vậy là có tội với người nghèo và nhân dân".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm