50 ngân hàng lớn nhất châu Âu cần 110 tỷ euro nguồn vốn

S&P ghi nhận việc các ngân hàng đã hành động để tăng tỷ lệ vốn "đệm" nhằm tránh rủi ro bằng cách giữ lại một phần khoản lợi nhuận của họ hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.

Tuy vậy, S&P cảnh báo hệ thống ngân hàng châu Âu vẫn "đứng mũi chịu sào" trong cuộc khủng hoảng nợ công Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhất là các ngân hàng ở khu vực Nam Âu và Ireland.

S&P cũng cho rằng nguồn vốn thiếu hụt của các cổ đông tại các ngân hàng châu Âu chiếm tới 60% tổng số 185 tỷ euro vốn thiếu hụt của tất cả ngân hàng mà S&P xếp hạng tín nhiệm.

Theo S&P, trong nửa đầu năm 2013, sổ sách của 50 ngân hàng trên đã sụt giảm 1.100 tỷ euro.

S&P cho biết chỉ riêng năm quốc gia châu Âu - gồm Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ireland - chiếm tới 39% tổng mức thiếu hụt vốn (của các ngân hàng) trên toàn cầu.

Đề cập tới những cuộc kiểm tra "sức khỏe" của các ngân hàng do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện theo các quy định mới về giám sát trước những ảnh hưởng của cuộc khùng hoảng nợ công ở Eurozone, S&P hy vọng trong vài tháng tới hoạt động đó sẽ khuyến khích các ngân hàng giảm bớt sự mất cân bằng về tài chính, tăng vốn của các cổ đông.

Trong khi đó, tập đoàn kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) ước tính các ngân hàng châu Âu cần 280 tỷ euro vốn mới trong năm 2014 để đáp ứng các tiêu chuẩn giám sát mới và vượt qua các cuộc kiểm tra "sức khỏe" của ECB.

Ngoải ra, phát biểu tại một phiên họp toàn thể của Quốc hội châu Âu tại Strasbourg (Pháp) tuần trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết ngân hàng cần đảm bảo bất kỳ lượng tiền mặt nào được bơm vào hệ thống tài chính phải thực sự đến được với các doanh nghiệp có nhu cầu, trong bối cảnh những công ty nhỏ và vừa ở Eurozone đang gặp khó khăn.

Nhằm hỗ trợ đà hồi phục kinh tế vẫn còn "ì ạch" của Eurozone, ECB cũng đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,25%.

Theo Anh Quân (TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm