11 tỉnh sẽ tham gia đề án lớn về vùng nguyên liệu nông, lâm sản

Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025.

Các vùng nguyên liệu này, theo dự kiến, sẽ được triển khai trên 184 xã, 50 huyện của 11 tỉnh, theo 5 vùng ngành hàng.

Cụ thể, vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc, trước mắt thí điểm ở Sơn La, Hòa Bình với diện tích 14.000 ha chanh leo, dứa, xoài.

Vùng nguyên liệu cây ăn quả ở Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) diện tích 60.200 ha, với các loại xoài, mít, sầu riêng.

Vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS) tại khu vực duyên hải miền Trung, thí điểm ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, tổng diện tích 22.900 ha.

Vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk), 11.200 ha.

Vùng nguyên liệu lúa gạo ở Tứ Giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang), 50.000 ha.

Theo đề án, vùng nguyên liệu lúa gạo ở Tứ Giác Long Xuyên được xây dựng thí điểm ở Kiên Giang, An Giang với diện tích 50.000 ha. Ảnh minh họa: GIA TUỆ

Bộ NN&PTNT cho biết, các địa điểm được lựa chọn tham gia đề án đều nằm trong quy hoạch vùng trồng, phát triển nông nghiệp của địa phương chứ không đặt vấn đề mở ra vùng trồng mới. Cơ quan chuyên môn các tỉnh, thành đã tham gia ý kiến để hình thành nên đề án này.

Để đề án có tính khả thi, Bộ NN&PTNT đã mời nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh nông nghiệp tham gia ý kiến, thậm chí là sẽ là đối tác trực tiếp.

Theo đó, sẽ có 17 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, trong đó có các đơn vị lớn như Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Chánh Thu, Công ty TNHH Kim Nhung, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cà phê Vĩnh Hiệp. Cùng với đó là 250 hợp tác xã nông nghiệp, 185.000 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi trực tiếp.

Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 1.645 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước là 526 tỷ đồng (32%), bao gồm 440 tỷ đồng là nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 do Bộ NN&PTNT trực tiếp quản lý, còn lại là các nguồn của các đơn vị khác trong Bộ đóng góp như vốn khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn hợp tác xã...

11 tỉnh tham gia đề án sẽ đóng góp khoảng 436 tỷ đồng (chiếm 26,5% tổng kinh phí) cho các nội dung như đền bù giải phóng mặt bằng, nạo vét kênh mương...

Là một đề án có tính chất hợp tác công - tư cao, chương trình này dự kiến huy động vốn đối ứng từ hợp tác xã, doanh nghiệp, khoảng 579 tỷ đồng cùng khoảng 103 tỷ đồng tín dụng.

Thời gian thực hiện trong 5 năm, từ 2021-2025, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2021-2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu và tổ chức tổng kết, đánh giá. Giai đoạn 2 (2024-2025) hoàn thiện đề án, nhân rộng mô hình, xây dựng cơ chế chính sách lâu dài về phát triển vùng nguyên liệu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết trước giờ đã có nhiều địa phương xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất, nhưng quy mô nhỏ. Nay trước các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn nông lâm sản trong nước và xuất khẩu ngày càng khắt khe, Bộ NN&PTNT muốn xây dựng thí điểm các vùng nguyên liệu lớn về quy mô, đạt tiêu chuẩn cao về sản xuất nguyên liệu...

"Vùng nguyên liệu có thể từ hai tỉnh trở lên để có sự liên kết vùng, có sự hỗ trợ nhiều tỉnh và có tính xã hội hóa. Đây là việc làm thiết thực, hỗ trợ cho nông dân theo chuỗi giá trị, tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp" - Thứ trưởng Nam cho biết.

Đề án đang trong giai đoạn cuối của quá trình dự thảo, để từ nay đến tháng 12-2021 trình phê duyệt, đi vào triển  khai.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.