11 hiệp hội kiến nghị miễn đóng kinh phí công đoàn 2020

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng 11 hiệp hội vừa gửi tới Bộ KH&ĐT góp ý dự thảo nghị quyết “về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

Những góp ý này được coi là “hết sức cấp thiết” để hỗ trợ doanh nghiệp giữ được dòng vốn nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động trước khi kiệt quệ, đổ vỡ và không thể nào khắc phục.

Đứng đầu trong các góp ý là đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020.

Theo đó, ngày 25-3 vừa qua, thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Công văn số 245/TLĐ cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn sáu tháng đầu năm 2020 đối với các doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc. Tuy nhiên, theo Ban IV và các hiệp hội, doanh nghiệp hầu như không thực hiện được chính sách này.

Vì nhiều ngành doanh thu gần như bằng 0 nhưng vẫn cố gắng sản xuất cầm chừng, phân chia ca kíp, trả lương tối thiểu... để ổn định đời sống cho người lao động… Doanh nghiệp hầu như không đạt tiêu chí “có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc”.

Việc chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản là hết sức phức tạp, mất thời gian, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tải hàng hóa đường bộ, logistics, du lịch, hàng không... Với các doanh nghiệp này, chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã khiến hàng chục, hàng trăm ngàn người mất việc.

Mặt khác, doanh nghiệp cho rằng nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng bảo hiểm xã hội thì tương đương với tình trạng doanh nghiệp đã kiệt quệ, “chết lâm sàng”, không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên. Cho nên chính sách “hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020” không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp.

Vì vậy, Ban IV và các hiệp hội kiến nghị Bộ KH&ĐT trao đổi với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để trình các cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp miễn đóng kinh phí công đoàn trong năm 2020.

Đề xuất chậm nộp bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến ngày 31-12-2020 cũng được nêu ra. Hồi trung tuần tháng 3-2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có công văn cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ tử tuất, quỹ hưu trí trong 12 tháng. Điều kiện là doanh nghiệp có “số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra”.

Theo các hiệp hội, chính sách này các doanh nghiệp không thực hiện được. Mặt khác, khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đang chiếm tỉ trọng chi không hề nhỏ trong quỹ tiền của doanh nghiệp.

Vì thế, các hiệp hội “đặc biệt đề xuất và mong sự chia sẻ từ phía Nhà nước” với chính sách cho chậm nộp bảo hiểm xã hội và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác đến hết ngày 31-12

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, ngày 26-4 trả lời báo chí cũng đề xuất: “Hãy giúp doanh nghiệp nhiều hơn trong việc tăng cường tính lũy, chia sẻ với họ gánh nặng chi phí thì phải miễn, giảm thuế, miễn nhiều loại phí, không phải chỉ một vài tháng mà phải kéo dài một vài năm. Ví dụ, phí công đoàn thì nên miễn 2-3 năm đối với doanh nghiệp, vì 2% là một khoản phí rất cao”.

Các cô giáo Trường Mầm non Ngôi nhà trẻ thơ (quận 12, TP.HCM) bán hàng kiếm thêm thu nhập trong thời gian trẻ nghỉ học vì dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tại dự thảo nghị quyết của Chính phủ do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo, có một số khoản phí được miễn và có những khoản phí được đề xuất giảm để “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.

Chẳng hạn, lệ phí môn bài 2020 được miễn 100%; lệ phí trước bạ đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước giảm 50%; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm, phí bảo lãnh phát sinh các khoản vay Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không cũng được miễn…

Các biện pháp thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cũng được tính đến.

Đặc biệt dự thảo nghị quyết đề cập đến việc Chính phủ quyết nghị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định: Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong năm 2020; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết tháng 9-2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm