Xúc động những lá thư tay trong dự án Học văn từ cuộc sống

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn Văn trường THPT Bùi Thị Xuân, chủ nhiệm dự án “Học văn từ cuộc sống” đã khẳng định như vậy tại buổi tổng kết dự án.

Ban chủ nhiệm dự án nhận hoa từ Ban giám hiệu nhà trường.

Sáng 15-5, tại Hội trường Nhà Thiếu nhi TP.HCM, thầy và trò trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đã tổ chức buổi báo cáo dự án “Học văn từ cuộc sống” với chủ đề “Có thư trên bậu cửa”. Đồng thời, đây cũng là buổi ra mắt cuốn sách “Có thư trên bậu cửa” do giáo viên và học sinh cùng thực hiện.

Là người sáng lập, chủ nhiệm dự án, thầy Đỗ Đức Anh, cho biết, “Có thư trên bậu cửa” là hình thức “thư không dán tem”. Chính các em sẽ tìm hiểu và viết nên những lá thư tay gửi đến người mà em cảm thấy ấn tượng và ngưỡng mộ. Một bức thư nhưng gói gọn trong đó là tình yêu, sự cảm mến đối với những người thân yêu, người truyền cảm hứng và cả những người chỉ biết mà không quen.

Một phụ huynh xúc động khi đọc bức thư do một học trò viết riêng cho đứa con trai khuyết tật của mình.

Nhân vật trong những bức thư là những người phi thường nhưng luôn nghĩ mình là bình thường. Đó là những chú cảnh sát phòng cháy chữa cháy hi sinh thầm lặng, là ông ngoại bán kẹo bông gòn lưu giữ ký ức tuổi thơ, là “người hùng” bác bảo vệ mỗi sáng đưa học trò qua đường, hay với cô tổng giám thị kính yêu…Và đặc biệt tất cả đều bất ngờ trước lá thư ngoài cửa và không thể không tò mò đọc, rồi mỉm cười và thấy hạnh phúc vì những gì mình làm cũng đã truyền được cảm hứng cho mọi người..

Là một người đồng hành với dự án từ những ngày đầu tiên, em Lê Bá Quốc Huy, học sinh của trường cho biết, “Có thư trên bậu cửa” đã đem đến cho em những trải nghiệm thú vị về cuộc sống.

Dự án Học văn từ cuộc sống với chủ đề "Có thư trên bậu cửa" đã khiến học trò trưởng thành hơn nhiều.

“Với việc bước chân ra bên ngoài tìm hiểu cuộc sống, tiếp xúc với những con người ở các hoàn cảnh sống khác nhau, ở họ có điểm chung dù cuộc sống có khó khăn nhưng họ vẫn luôn vươn lên với một nghị lực phi thường. Chính họ là tấm gương để em có thể học tập”.

Còn đối với Tấn Phát, chính việc học văn qua dự án đã khiến em từ một người rất ghét học văn, trở nên yêu môn Văn. “Chính việc đi thực tế, tiếp xúc với nhân vật mà mình yêu quý đã nuôi cảm xúc trong em, khiến em viết văn hay hơn, cảm xúc hơn. Và em đã dành tất cả tình cảm của mình để viết thư tay cho ông Ngoại kẹo ngọt. Điều này em chưa từng làm trong 11 năm qua”.

Đọc những dòng chữ Tấn Phát viết tặng cho ông Ngoại đã cho thấy điều đó: “Kẹo ngoại là số zách, mà còn rẻ nữa, cho tới bây giờ, con cũng còn ghiền ăn. Con còn nhớ rất rõ hình ảnh ông ngoại yêu đời, yêu nghề, bon bon trên chiếc xe làm kẹo, đậu xe tại các ngôi trường để bán. Chắc là cả Sài Gòn này, đứa học trò nào cũng lớn lên bằng cây kẹo bông gòn hết trơn đó ngoại”.

Hay xúc động như bức thư của em Trần Dinh Như viết dành riêng cho bác bảo vệ trường chuyên Lê Hồng Phong. “Dù trời có nắng gắt hay mưa to, bác vẫn tận tụy với công việc, cứ đúng giờ bác lại có mặt ở cổng giữ an ninh trật tự. Công việc dù vất vả nhưng bác vẫn thầm lặng, tận tụy với nghề. Và mỗi lần như thế, cháu lại thương bác. “Ông Ba vui tính” là cái tên mà chúng cháu hay gọi mỗi khi nhắc đến Bác đấy….”

Được thực hiện từ tháng 9-2017, đến thời điểm này, dự án đã nhận được hàng trăm thư viết tay của học sinh bày tỏ tình cảm, sự yêu thương đối với những người không hề quen biết. Sau khi tập hợp và lựa chọn, Ban chủ nhiệm dự án đã chọn ra 50 bức thư tay với những cung bậc tình cảm khác nhau để in thành quyển sách với nhan đề “Có thư trên bậu cửa”.

Với những lời đề tựa hết sức dễ thương như "Ngài vệ sĩ học đường", "Thợ đánh giày và bầy yêu tinh", "Sư phụ dế mèn" hay "Những siêu nhân dưới ống cống", "Hoa hướng dương không cần mặt trời", ... 50 bức thư viết tay là 50 nốt trầm lắng giữa dòng đời hối hả. Nó là món quà dành cho những người phi thường nhưng luôn nghĩ mình là người bình thường và dành cho tất cả chúng ta.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm