Vì sao bỏ điểm sàn xét tuyển đại học?

Chiều 16-12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga xác nhận trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2017 mà Bộ vừa công bố để lấy ý kiến rộng rãi có quy định bỏ điểm sàn trong tuyển sinh ĐH. Trong đó điều kiện cần là thí sinh (TS) tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định.

Thả đầu vào, siết chặt đầu ra

Theo Thứ trưởng Ga, kỳ tuyển sinh năm 2016 dù có điểm sàn nhưng có hơn 100.000 TS trên ngưỡng này không nộp đơn đăng ký xét tuyển dù rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy TS đã có sự tính toán, lựa chọn nhất định chứ không phải vào bất cứ trường ĐH nào là xong. Vì vậy, năm nay Bộ quy định điều kiện cần chung nhất là điểm tốt nghiệp THPT. Còn các trường tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của mình cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín.

Mặt khác, năm nay Bộ cũng yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp, công khai chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia, triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo vì vậy không chỉ còn tập trung vào đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp.

Theo ông Ga, cứ mỗi mùa tuyển sinh lại xuất hiện những điểm bất cập đối với TS cũng như nhà trường hoặc là của dư luận xã hội, buộc cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh. Việc đổi mới công tác thi và tuyển sinh không thể thực hiện cùng một lúc, mà phải từng bước cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Việc thả đầu vào và siết chặt đầu ra, trong đó tiêu chí có việc làm sau khi ra trường là điều kiện tiên quyết để đánh giá uy tín của các trường ĐH, CĐ. Ảnh: P.ĐIỀN

Lối ra cho các trường ngoài công lập?

Thực tế tuyển sinh nhiều năm nay cho thấy ngưỡng điểm đầu vào của các trường uy tín cao hơn điểm sàn 5-7 điểm. Ngược lại, các trường tốp dưới lại khá băn khoăn.

GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng việc Bộ đưa ra dự thảo bỏ điểm sàn xét tuyển năm 2017 không tác động nhiều đến công tác tuyển sinh, do ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của trường cách điểm sàn khá xa. Tuy nhiên, người đứng đầu Trường ĐH Luật TP.HCM lại băn khoăn, khi bỏ điểm sàn sẽ có nhiều TS đăng ký xét tuyển hơn, như vậy tỉ lệ ảo sẽ tăng cao. Đồng thời việc xử lý hồ sơ rất phức tạp, chưa kể còn liên quan đến lệ phí xét tuyển.

Ngoài ra, cơ chế phân luồng không phù hợp cũng để lại nhiều hệ lụy. Nếu TS không đánh giá được năng lực và sở thích của mình để chọn ngành nghề phù hợp, thế mạnh bản thân mà chọn vào một ngành, trường mà mình không thích cũng ảnh hưởng tương lai sau này.

TS Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng ý tưởng bỏ điểm sàn rất đáng hoan nghênh. Theo ông Thanh, bỏ điểm sàn phải kèm theo tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường không được biến động. Các trường sẽ lấy từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu. Nếu các trường tốp trên mà hạ điểm đầu vào sẽ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, buộc các trường này phải có ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng. Đồng thời, thúc đẩy trường tốp dưới nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút TS.

“Đây là việc các nước đã áp dụng từ lâu. Với đề xuất bỏ điểm sàn, Bộ sẽ siết chương trình đào tạo và quan trọng nhất là tiêu chí sinh viên ra trường có việc làm để khẳng định thương hiệu, uy tín của nhà trường” - ông Thanh nhận xét.

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng nhìn nhận việc bỏ điểm sàn là lối ra trong giai đoạn khủng hoảng cho các trường ĐH địa phương và trường ngoài công lập khi năm vừa rồi tuyển sinh khó khăn. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ kéo dài 1-2 năm, nếu các trường không nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín và phản hồi tích cực từ sinh viên, xã hội thì các trường này lại quay về quỹ đạo ban đầu: Tuyển sinh thiếu chỉ tiêu.

Dữ liệu tuyển sinh chung giúp lọc “ảo”

Theo dự thảo 2017, TS được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp và việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng.

Trước lo lắng của các trường về tỉ lệ ảo sẽ tăng mạnh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng Bộ sẽ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh, cung cấp thông tin và công cụ thống kê tự động để hỗ trợ cho các trường thực hiện đúng quy chế tuyển sinh theo nguyên tắc cơ bản: Trong xét tuyển đợt 1, TS chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Nếu trường không sử dụng công cụ hỗ trợ của cổng thông tin tuyển sinh thì không thể đảm bảo được nguyên tắc này… Quy trình tuyển sinh như vậy không ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

Tuy TS được đăng ký nguyện vọng không giới hạn nhưng mỗi em chỉ trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng cao nhất. Khi hệ thống đã xác định được nguyện vọng trúng tuyển rồi thì lập tức những nguyện vọng còn lại sẽ bị xóa. Nếu không cân nhắc kỹ, TS rất dễ trúng tuyển vào trường, ngành mình không yêu thích.

NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm