Trường mầm non 10 năm không có nhà vệ sinh

Trường mầm non 10 năm không có nhà vệ sinh ảnh 1
Ảnh: C.Thành

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, do thiếu vốn trong khi số lượng trẻ học mầm non tăng mạnh, địa phương chỉ xây được lớp học.

Trò khổ, cô khổ

Điểm trường lẻ đã vậy, điểm trường chính tại thôn 2, xã Lộc Tân “thừa kế” từ một trạm y tế xuống cấp. Hệ thống phòng vệ sinh đã hư hỏng hoàn toàn, nhiều mảng tường bong tróc, nham nhở. Trường phải tự thiết kế một phòng vệ sinh tạm ngay trong phòng học nên khá nhớp nháp, thường xuyên bốc mùi hôi ra phòng dạy học.

Các cô giáo tại đây cho biết hằng ngày phải vất vả thay nhau đi xin nước từ nhà dân cách trường gần 200m về giội phòng vệ sinh cho 72 trẻ. Lý do là vào mùa khô hệ thống giếng đào tại trường đã cạn kiệt nước (ảnh).

Điểm trường mầm non ở thôn 3, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm đã 10 năm nay không có phòng vệ sinh dành cho trẻ. Nơi dạy trẻ có diện tích chưa đầy 60m2 cho hai phòng học đưa vào sử dụng cuối năm 2001. Hiện tại xã Lộc Tân có năm điểm trường dạy khoảng 260 trẻ thì bốn điểm trường lẻ đều không có nhà vệ sinh. Mỗi khi có nhu cầu, các bé phải chạy ra bãi cỏ sau trường.

Theo cô Nguyễn Thị Hoa - hiệu trưởng Trường mầm non Lộc Tân, hằng năm số lượng trẻ đều tăng nhưng cơ sở vật chất vẫn giữ nguyên. Việc thiếu nhà vệ sinh khiến môi trường xung quanh ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ.

Cũng rơi vào hoàn cảnh khổ sở không kém là các điểm trường mầm non Lộc Đức. Từ năm 1995 tới nay điểm trường chính cũng không có phòng vệ sinh riêng biệt. Hằng ngày gần 70 trẻ phải đi nhờ phòng vệ sinh của các anh chị cấp tiểu học gần trường. Hiện tại sau hơn 10 năm “đi ké” phòng vệ sinh, điểm trường chính đang được xây dựng mới, còn lại bốn điểm trường lẻ thì hai điểm phải mượn nhà dân với phòng vệ sinh xuống cấp, hai điểm khác đều không có phòng vệ sinh.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các điểm trường lẻ tại các xã khác trong huyện Bảo Lâm như Lộc Thành A, Lộc Bắc, Lộc An, Lộc Phú.

Thiếu vốn

Ông Lê Đức, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bảo Lâm, thừa nhận các điểm trường cấp mầm non trên địa bàn huyện đang thiếu thốn nhiều thứ như cơ sở xuống cấp, lớp học tạm bợ và nhà vệ sinh nơi có nơi không. Hiện cả huyện có 4.376 học sinh cấp mầm non với 18 điểm chính và 39 điểm lẻ. Trong đó 10 điểm không có nhà vệ sinh, 45 điểm có nhà vệ sinh nhưng phần lớn đều phải dùng tạm, dùng chung. Nhiều điểm có phòng vệ sinh nhưng không có nước.

Ông Đức cho biết do số lượng trẻ tăng lên nên phải mở thêm các phân hiệu. Khó khăn chung là hầu hết phân hiệu đều mượn từ nhà dân hay các cơ sở như trạm xá, hội trường thôn, nhà văn hóa cũ... nên phòng vệ sinh không có, hoặc không đúng quy chuẩn phòng vệ sinh mầm non. “Chúng tôi cũng rất hiểu nỗi khổ của học sinh và cô giáo phải học và dạy trong điều kiện thiếu thốn nơi vệ sinh. Hiện tại rất khó để xây phòng vệ sinh ngay tại các phân hiệu cho các em vì kinh phí của phòng khá eo hẹp, chưa thể xây dựng một sớm một chiều”.

Còn ông Đặng Trọng Giang, chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng khác với các cấp học khác, mỗi năm cấp mầm non có nhiều điểm trường mới và nhỏ lẻ trong đó phần nhiều được thuê, mượn từ cơ sở vật chất của xã và người dân nên không có sổ đỏ, rất khó để hợp thức hóa làm các thủ tục xây dựng thông thường. “Sắp tới, sở sẽ bàn bạc và chỉ đạo quy hoạch mạng lưới trường lớp, chú ý các phân hiệu nhiều năm không có phòng vệ sinh. Đồng thời sở sẽ tham mưu với ngành, chính quyền địa phương đầu tư quỹ đất, kinh phí từ ngân sách hợp lý để giải tỏa khó khăn trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường mầm non” - ông Giang nhấn mạnh.

Theo CHÍNH THÀNH (TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm