Trường đầu tiên không có học sinh đăng ký thi tốt nghiệp Sử

PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh vừa công bố tỷ lệ học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp tự chọn. Theo đó, Lý 75,6%, Tiếng Anh 56,3%, Hóa 50,8%, Địa 11,4%, Sinh 5,3% và Sử 0%.

"Tôi rất buồn khi Bộ đề ra chủ trương cho học sinh tự chọn môn thi. Họ đã không suy xét được hậu quả sẽ như thế nào. Tôi được biết, nhiều trường khác cũng không có học sinh nào đăng ký dự thi môn Sử", thầy Cương nói.

KOR-5051-6967-1393581048.jpg

Dự đoán tỷ lệ đăng ký thi tốt nghiệp môn Sử năm nay sẽ rất thấp. Ảnh: HH.

Giải thích về việc tại sao học sinh trường mình không chọn Sử, vị giáo già cho biết, nguyện vọng của các em khi vào trường là thi đại học khối A, D. Dù học đều và những năm trước thi Sử với kết quả khá nhưng Sử không phải là môn trọng tâm khi thi đại học nên bị bỏ qua - nghĩa là không phải do học sinh ghét Sử, mà do so sánh thì những môn khác có lợi hơn. Sử thi 90 phút tự luận, sẽ mệt mỏi và khó lấy điểm hơn những môn khác.

"Nếu cả nước chỉ dưới 1% học sinh đăng ký thi Sử thì vô tình môn Sử lại bị giáng một đòn chí mạng", thầy Cương nhận định.

Trước đó, thầy Văn Như Cương đã dự đoán với phương án thi năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp có thể lên tới 99,9%. Nguyên nhân là do năm ngoái thi 6 môn bắt buộc (ba môn cố định, ba môn biết trước 2 tháng) thì năm nay chỉ thi 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc, hai môn tự chọn tùy thích trong 6 môn còn lại. Như vậy áp lực lên học sinh giảm đi rất nhiều. 

Năm trước, nếu trung bình một môn thi dưới 5 điểm (4,9 chẳng hạn) thì học sinh chắc chắn trượt, không có cách gì cứu. Năm nay học sinh có một cái phao cứu to đùng: đó là điểm tổng kết lớp 12. Công thức để xác định điểm tốt nghiệp là lấy điểm trung bình môn thi cộng với điểm tổng kết cuối năm lớp 12, rồi chia cho 2. Vậy, nếu em A chỉ được trung bình môn thi là 4 điểm, nhưng điểm lớp 12 là 6 thì vẫn tốt nghiệp đàng hoàng vì (4+6):2 = 5. Thực tế, để có điểm 6 của lớp 12 là chuyện rất dễ. 

Theo Hoàng Thùy (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm