Trôi nổi chất lượng giáo dục quốc tế ở Trung Quốc

Các gia đình ở thành thị Trung Quốc (TQ) đầu tư đặc biệt cho việc học hành của con cái. Hãng tin CNN dẫn một nghiên cứu của giảng viên Don Starr tại ĐH Durham (Anh) cho thấy trung bình các gia đình thành thị TQ chi hơn 30% thu nhập hằng tháng cho việc học của con, mức này ở Anh chỉ 2%.

Tuy nhiên, sự quan tâm của các “mẹ Hổ”, “cha Sói” không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt. Năm 2013, một cậu bé 10 tuổi ở TP Thành Đô đã nhảy lầu tự sát vì không hoàn thành được bản chép phạt thầy giáo yêu cầu.

Để phản ứng lại xu thế này, TQ ngày càng mở rộng giáo dục nhiều lựa chọn. Ngày càng có nhiều trường tư áp dụng các phương pháp giáo dục quốc tế, phần nhiều nhắm vào đối tượng trẻ mẫu giáo và tiểu học.

 
Hiệu trưởng Ngụy Việt Linh cùng học sinh trong một lớp học tại Trường Tiểu học Waldorf ở Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Ảnh: CNN

Khi bắt đầu vào tiểu học năm học tới, cô bé Tiểu Cát sẽ được cha mẹ đưa vào học ở một trường tư áp dụng phương thức giáo dục Waldorf (xuất phát từ Đức năm 1919, chủ yếu nhằm phát triển nhận thức, trí tưởng tượng, sức sáng tạo của học sinh). Không giống các bạn học trường công phải chịu đựng kỷ luật khắt khe và núi bài tập về nhà, một ngày học tập của bé sẽ chỉ làm bạn với nhạc, họa và các môn học sáng tạo.

Với nhiều bậc cha mẹ TQ, hệ thống giáo dục công cùng phương thức học vẹt, hạn chế suy nghĩ, hạn chế phản biện và sáng tạo đã lỗi thời. Và Tiểu Cát là một trong số rất nhiều trẻ em TQ được cha mẹ đầu tư cho theo học các trường tư áp dụng các phương thức giáo dục nâng cao sức sáng tạo như Waldorf, Montessori (bắt nguồn từ Ý, đề cao tính tự lập, tự do, tôn trọng đặc tính riêng biệt của học sinh), Reggio Emilia (bắt nguồn từ Ý, giúp học sinh phát triển tính cách).

Mẹ Tiểu Cát đánh giá so với học trong hệ thống công lập, ở trường tư Waldorf con gái bà không những được nhận sự giáo dục lành mạnh hơn mà cũng sẽ có một cuộc sống vui tươi hơn. Cha mẹ Tiểu Cát hy vọng tư tưởng giáo dục Waldorf sẽ là bước khởi đầu giúp con họ có được cuộc sống thoải mái và hạnh phúc cả trong quá trình học và về sau.

Cha mẹ Tiểu Cát không phải là trường hợp hiếm. Tại TP Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), có khoảng 40 gia đình vì sự học của con đã chuyển nhà đến gần trường Waldorf, tạo nên một cộng đồng cùng quan điểm. Nhiều bậc cha mẹ trở thành tình nguyện viên của trường, giúp quảng bá phương pháp giáo dục Waldorf.

Hiện không có con số chính thức thống kê có bao nhiêu trường thế này ở TQ. Hiệu trưởng Ngụy Việt Linh của Trường Tiểu học Waldorf Hải Nhung ở TP Quảng Châu, nơi cô bé Tiểu Cát sẽ theo học, ước tính cả TQ có khoảng 40 trường tiểu học và 500 trường mẫu giáo. Riêng ở Quảng Châu, hệ thống Waldorf có một trường tiểu học và ba trường mẫu giáo, tổng học sinh khoảng 300, học phí khoảng 6.500 USD/năm.

Các phương pháp giáo dục Waldorf, Montessori, Reggio Emilia đã được chứng minh hiệu quả trên thế giới. Mỗi phương pháp hiện đều có hàng trăm đến hàng ngàn trường ở hàng chục nước. Quỹ Montessori và Hội các trường Waldorf (Mỹ) đều cung cấp trực tuyến các khóa đào tạo cho các cá nhân quan tâm, có ý định mở một trường Waldorf. Giáo viên muốn vào dạy trong trường Waldorf cũng phải trải qua ít nhất một năm đào tạo. Dù thế nhiều ý kiến cho rằng các trường áp dụng các phương pháp giáo dục này đã nảy nở ngoài tầm kiểm soát.

Tại TQ, CNN cho rằng vì nhu cầu phát triển quá nhanh, ở TQ hiện mọc lên nhiều trường chỉ lấy thương hiệu các phương pháp này chứ không áp dụng đầy đủ triết lý sư phạm của nó.

Gina Lofquist, Giám đốc chương trình giáo dục Montessori tại ĐH Xavier (Mỹ), nghi ngờ chất lượng của các trường Montessori tại TQ. Vì theo bà, với số trường Montessori mọc lên quá nhiều tại TQ hiện tại thì lượng giáo viên đủ tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng sẽ không thể đủ để đứng lớp.

Ngoài ra, bà cho biết đã từng đến một trường mẫu giáo Montessori ở TQ và không hề nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của một trường Montessori tiêu chuẩn. Thay vào các giáo cụ tiêu chuẩn là một màn hình tivi lớn ở giữa phòng học - điều trái phương pháp và triết lý sư phạm Montessori. Bà kết luận các bậc cha mẹ TQ đã phí tiền và không nhận được điều mình cần.

Qua trao đổi với nhiều giáo viên và phụ huynh ở Quảng Châu và Hong Kong, CNN cho biết tình hình tương tự cũng xảy ra với các trường theo phương pháp giáo dục quốc tế ở hai địa phương này, kể cả các trường Waldorf.

Dù chất lượng của các trường tư áp dụng các phương pháp giáo dục này không đảm bảo và thực tế quản lý hoạt động còn lỏng lẻo nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn rất ưa chuộng gửi con vào học vì đánh giá cao tính nhân văn của các phương pháp này cộng với môi trường học tập nhẹ nhàng.

Trong khi đó, GS Lục Tử Nghệ tại ĐH Sư phạm Hoa Trung cho biết ông không có niềm tin vào các hệ thống trường tư. Theo ông, ít bài tập, ít thực hành không phải là con đường dẫn đến thành công trong tương lai.

Và xét về tổng thể, phần lớn cha mẹ TQ vẫn trung thành với hệ thống giáo dục công. Lý do họ không dám chạy theo phong trào đưa con vào trường tư vì sợ con sẽ bị giảm cơ hội trong kỳ thi vào đại học.

THIÊN ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm